Friday, December 18, 2009

Thư Giáng sinh


Vũ Lưu Xuân

Theo lời cha phó phụ trách thiếu nhi, con bé mười tuổi quyết định viết thư nhân dịp Giáng sinh. Viết thư là việc nó chưa làm bao giờ, đặc biệt viết cho một người bạn cùng trang lứa không quen biết, nhưng nó sẽ cố gắng vận dụng khả năng tiếng Việt, khả năng giúp nó thường xuyên đứng đầu môn văn trong lớp.
Chào bạn
Chúng mình chưa quen nhau đúng không? Tôi cũng không biết bạn ở đâu nữa, chỉ biết bạn sống trong một trại mồ côi, ở nơi có thể rất xa. Cha phó khuyên bọn nhỏ dịp Giáng sinh hãy viết thư cho một bạn nào đó trong trại mồ côi, cha bảo những trẻ không bố mẹ rất buồn mỗi khi Giáng sinh hoặc Tết đến. Mẹ mình thường nói: Chúa ra đời vì muốn con người hết khổ, hết buồn, mẹ còn bảo, mỗi khi con giúp đỡ, làm cho bạn hết buồn, là con bắt chước Chúa đó. Bây giờ mình đang làm theo ý cha phó và mẹ, đến lễ Giáng sinh rồi mà.
Mình tự giới thiệu để làm quen nha. Mình tên Nga, hiện học lớp năm một trường điểm ở thành phố. May mắn vẫn còn đầy đủ cha mẹ, chỉ có điều mình là con một, nên nhiều lúc ở nhà chả biết chơi với ai. Người ta bảo con một được nuông chiều dễ hư, hàng ngày mình vẫn cố gắng làm đứa trẻ ngoan, để được Chúa và mọi người thương yêu.
Còn bạn học lớp mấy? Đời sống ở trung tâm ra sao? Có buồn thật không? Nhận thư này mong bạn trả lời, mình hứa sẽ giữ liên lạc và không bao giờ quên bạn.
Nga
Lá thư viết trên giấy học trò, trao cho cha phó. Thư gửi đi, tới tay một người bạn không quen, ở một nơi mà không biết khi nào nó mới có dịp ghé qua. Đứa bé hồi hộp, và cũng mang trong lòng niềm vui hồn nhiên, ấm áp. Và điều nó không ngờ, lá thư lại là bước đầu của một tình bạn bền chặt. Hai tuần sau, đúng dịp lễ Giáng sinh, con bé nhận được hồi âm, nó coi như món quà đặc biệt ý nghĩa, ý nghĩa hơn những vật đắt tiền, nó thường nhận được hàng năm, vì đây là kết quả của một việc tốt. Thư cũng viết trên giấy học trò, nét chữ xộc xệch, còn sai nhiều lỗi chính tả.
Bạn Nga
Mình nhận thư bạn thật bất ngờ, giữa lúc vừa học xong 4 tiết buổi sáng. Chỗ tụi mình có hơn hai trăm em mồ côi, từ sơ sinh tới 18 tuổi, mà thư chỉ có năm mươi lá. Ai ngoan và giỏi mới được nhận. Mình cũng là một trong số bé ngoan đó, và bất ngờ nhận được thư bạn, chúng mình cùng một tuổi, mình cũng đang học lới năm. Xin giới thiệu, mình tên Thanh, hiện sống tại một làng cô nhi, do các ni cô bên Phật coi sóc, hình như cách thành phố khoảng 50 cây số, thật ra mình chẳng biết thành phố là gì, lớn nhỏ bao nhiêu? Chắc chắn lớn và vui hơn làng cô nhi gấp nhiều lần. Mình cũng không biết đời sống trong gia đình như thế nào. Bạn nhiều lần nhắc đến Chúa, đôi lúc mình có nghe qua, nhưng không rõ Chúa là ai, chắc cũng giống Đức Phật, rất thương yêu trẻ con.
Thư của bạn làm cho mình vui. Mình cũng mong muốn được kết bạn với bạn, như thế chắc vui lắm. Bạn sẽ kể cho mình nghe về thành phố, về trường ở thành phố, và nhất là gia đình bạn, mình rất muốn biết thế nào là một gia đình. Còn mình sẽ kể cho bạn nghe đời sống ở trại mồ côi, nơi đây tuy thiếu thốn nhưng có nhiều tình thương yêu, và nếu chăm chỉ, ngoan ngoãn, tụi mình cũng được học hành. Chỉ sợ bạn chóng quên mình, chứ mình không bao giờ quên bạn đâu.
Thanh
Những dòng chữ ngô nghê, chệch choạc, mở đầu cho tình bạn thật kỳ lạ giữa cô bé nhà giàu, và đứa trẻ lớn lên ở trại mồ côi, đặc biệt suốt nhiều năm trời, hai đứa không hề gặp gỡ, “dù chưa bao giờ gặp, chúng mình vẫn thương nhau, đúng không?“, cũng không hề gửi hình để biết mặt nhau, “tôi xấu lắm, thấy mặt là bạn chán liền à.” Đó là lời con Thanh, khi nó từ chối trao đổi hình ảnh. Chả biết nó có xấu thật không, hay trong tiềm thức, có cái gì đó khiến nó vẫn vô tình giữ một khoảng cách, để không mang thêm mặc cảm về hoàn cảnh quá chênh lệch giữa hai đứa, và như thế tình bạn mới có cơ may kéo dài, đơn giản nó nghĩ vậy. Nó cần tình bạn.
Những lá thư trao đổi, con Nga xếp kỹ trong ngăn tủ, thỉnh thoảng rảnh rỗi mở vài lá ra coi, có lúc đọc rồi cười khúc khích, đôi lúc lại buồn vu vơ. Một năm trôi qua, thư liên lạc vẫn đều đều, trung bình mỗi tháng một lá. “Giáng sinh năm nay mình gửi tặng bạn con thú nhồi bông, mẹ mới mua cho. Khi thấy mình có ý gửi tặng bạn, mẹ cũng ừ, hứa mua cho mình con khác”. “Quà của bạn mình thích lắm, có điều ở đây nhiều em nhỏ cũng muốn chơi chung, tội nghiệp”. Những lá thư giúp hai đứa cùng trưởng thành. Chỉ sau hai năm, chữ con Thanh đẹp hơn, và đúng chính tả, “Cô khen tớ mau tiến bộ, viết hết lỗi rồi, nhờ bạn động viên đó“, còn con Nga nghe lời bạn, cũng biết quan tâm giúp mẹ nhiều việc lặt vặt ở nhà. “Tớ biết nấu cơm rồi đó, bữa trước mẹ đi vắng, một mình tớ nấu chín nồi cơm, dễ ợt”. “Nấu bằng gì?”. “Nồi cơm điện”. “Thế cũng khoe”. Đôi lúc thư chỉ loanh quanh những điều nho nhỏ, vài lời chọc ghẹo, đọc xong rồi cười, nhưng mỗi khi thư tới muộn, chúng chợt cảm thấy như thiếu vắng một điều gì. “Tớ mới bị bệnh, phải nghỉ học một tuần, gửi thư chậm, đừng giận”. “Vậy thì tha cho, tưởng cậu lơ là, tính nghỉ chơi luôn. Cậu bệnh gì, có nặng lắm không, cố giữ sức khoẻ mới được“ . Thời gian qua mau, hai đứa trẻ cùng lớn lên, trong hai không gian khác biệt, hai không gian dẫn con người đi về những hướng trái chiều, nhưng chúng gặp nhau ở một điểm: tâm hồn nhạy cảm và giàu tình người, đó là phạm vi không có ranh giới giữa giàu, nghèo. “Không hiểu tại sao lúc này mình hay buồn vu vơ. Người ta nói con gái tuổi mười sáu hay buồn chẳng biết vì sao, chán thật”. “Chắc trong lòng đã có hoàng tử chứ gì? Mà nếu có hoàng tử, cậu có quên mình không?” “Vớ vẩn, học trước đã, cấp ba rồi còn gì”. Rồi cả hai đều tốt nghiệp phổ thông, đều đậu đại học. Hai đứa mừng rỡ báo tin cho nhau. “Lần này Thanh đến nhà mình chơi nha”. “Chưa được đâu, chắc chắn sẽ có lúc chúng mình gặp nhau mà”. “Con nhỏ này, kỳ cục ghê!”
Làng cô nhi chỉ đủ sức nuôi dưỡng trẻ em dưới mười tám tuổi, Thanh lớn rồi, cô phải tự xoay xở kiếm sống, và hoàn thành giấc mơ đại học.
Buổi tối, Thanh đến một quán cà phê máy lạnh nhỏ, có treo bảng tìm người.
-Con muốn kiếm việc làm ngoài giờ để có phương tiện tiếp tục học.
Bà chủ khuôn mặt phúc hậu:
-Cháu tên gì? Học hết lớp mấy? Hiện thời sống với ai?
-Con tên Thanh, năm nay vừa đậu đại học.
Cô gái ngập ngừng, rồi nói nhanh:
-Con xuất thân từ trại mồ côi. Cô có nhận con không? Con có làm việc ở đây được không?
Bà chủ cười bao dung:
-Sao cháu nói lạ vậy, lúc nào cô cũng muốn giúp những người có chí. Cháu có thể làm ca tối, để tiện đi học. À mà cô có một đứa con gái, nó tên Nga, trạc tuổi cháu, mới vào đại học. Nó cũng có một nhỏ bạn ở trại mồ côi. Hai đứa thân nhau lắm, nhưng lạ một điều, hình như chưa bao giờ gặp mặt thì phải.
Thanh thoáng giật mình, ánh mắt xa xăm, mơ hồ.
Làm việc được khoảng mười ngày, bà chủ với Thanh có vẻ rất hợp ý nhau. Một hôm bà chủ nhìn về phía một chàng trai, nói nhỏ:
-Cháu có thấy cậu kia không? Lúc trước hay ngồi quán buổi chiều, bây giờ đổi qua buổi tối.
Bà cười:
-Nó có vẻ mết cháu rồi đó.
Chàng trai ngồi trong góc khuất, đăm chiêu trước máy tính xách tay, thỉnh thoảng kín đáo liếc về phía hai người. Thanh giữ vẻ thản nhiên, còn nét mặt bà chủ pha chút bâng khuâng, thoáng buồn. Vừa lúc ấy một cô gái bước vào:
-Má.
-Sao con tới quán buổi tối, không ở nhà học à?
-Tối tối thư giãn một chút, học mới vô.
Thanh nhìn xoi bói: cô gái xinh, đằm thắm, dịu dàng. Bạn đó sao? Cô gái mới đến liếc qua chỗ Thanh, rồi tươi cười tiến về phía chàng trai:
-Anh tới đây buổi tối à? Thảm nào mấy buổi chiều em ghé quán không thấy anh đâu.
-Bây giờ chiều chiều phải đi kiếm chút cháo. Tối mới tới được.
Anh chàng cười, nụ cười sáng và hiền.
Kể từ tối hôm ấy, quán vắng bóng Thanh, cô dạt về phương trời nào, không ai biết, nhưng thư từ qua lại vẫn đều đều. “Mình hứa vào đúng dịp Giáng sinh năm 25 tuổi, nếu không có biến cố gì đặc biệt, mình sẽ tự động tới thăm bạn. Đừng hỏi tại sao nhá, mỗi người đều có những dự tính riêng mà, đúng không”. “Con nhỏ này!”.
Thời gian vẫn trôi. Giáng sinh này Nga vừa hai lăm tuổi. Cô đã có người yêu, đính hôn, và sắp tới ngày cưới. “Mình sắp về nhà chồng. Rất hạnh phúc. Mừng cho mình đi. Mà cái hẹn ở tuổi hai mươi lăm cũng đến rồi, nhớ không? Nếu gặp Thanh trong ngày ấy, mình sẽ vui lắm. Vui trọn vẹn”.
Buổi tối trước ngày lễ, Nga ghé quán. Bà mẹ cười, vẻ bí mật:
-Con có món quà, chắc không biết ai tặng đâu.
Món quà gói trong mảnh giấy màu hồng. Nga run tay mở ra. Trong vỏn vẹn một chiếc khăn thêu, hoa lan, thứ hoa Nga rất thích, nét thêu linh hoạt, phối màu tinh tế. Bên dưới còn có tấm thiệp mừng, nét chữ đập vào mắt, quen thuộc, thân thương: “Giáng sinh vui vẻ, đừng quên làm thêm nhiều việc tốt nữa. Mình chẳng có gì, gửi tặng bạn tấm khăn chính tay mình thêu”.
Nga nhìn trước nhìn sau:
-Nó đâu rồi mẹ?
-Ai?
-Bạn con đó, nhỏ Thanh.
-Con nhỏ mấy năm trước phụ mẹ bán quán ấy hả? Sáng nay mới tới đây, nó gửi tặng con một món quà, rồi hẹn đúng tối 24 sẽ đến.
Nga cười trào nước mắt:
-Con nhỏ này! Chắc nó cũng thành đạt rồi. Tao biết tính mày mà.

Sunday, November 11, 2007

TÂM TÌNH CỦA MỘT GIÁO GIÀ, HƯU NON (bài 1)


Vũ Lưu Xuân


Tôi là một giáo già (ngoài sáu chục), hưu non (từ tuổi bốn mươi). Tuy đã hơn hai mươi năm rời xa môi trường sư phạm, nhưng lạ thật, nhiều đêm tôi vẫn nằm mơ thấy mình đứng lớp. Hôm nay tôi chợt ao ước được sống lại không khí ngày nào, nhưng không phải để dạy dỗ – với thời gian, chữ nghĩa của tôi đã rơi rụng hết rồi - mà để trò chuyện, tâm tình, tâm tình với những học sinh đã từng đào tạo ngày nào, và đặc biệt với những học sinh mà năm tôi bỏ nghề, chưa kịp xuất hiện dưới bóng mặt trời, với các em, dù không quen biết, tôi vẫn xin được tâm tình bằng tư cách của một ông thầy. Tâm tình tự thân là một trao đổi thiên về tình cảm, chủ quan, rất có thể sai, lộn xộn, thiếu hệ thống, nhiều khi không đầu, không đuôi, nhưng tuyệt đối không giả trá. Đến với các em, tôi sẽ trút bỏ mọi vỏ bọc, mọi mặt nạ, thứ phương tiện thường được sử dụng để chiếm phần hơn khi phải đối đầu với tha nhân. Quan hệ thầy trò, dứt khoát không phải là quan hệ đối đầu.

Ngày bước vào trường Đại học sư phạm, tôi mơ ước có cơ hội trao cho các em một mớ kiến thức làm phương tiện tiến thân, phục vụ, đồng thời - và cũng rất quan trọng - gợi mở cho các em một cung cách sống, để ngẩng mặt làm người. Đó không phải là hoài bão của riêng tôi, mà là tâm huyết chung của mọi ông thầy yêu nghề và có lương tâm.

Hồi còn đi dạy, tôi rất buồn khi nghe người ta gọi giáo viên là chiếc máy cái. Mỹ từ ấy dường như muốn đề cao vai trò của người thầy. Quan trọng lắm chứ, chiếc máy cái sản xuất ra những chiếc máy con và hàng loạt sản phẩm cho xã hội. Nhưng dù chất lượng cao chăng nữa, đó vẫn là thứ sản phẩm hàng loạt, rập khuôn. Tệ hơn, quan hệ giữa máy cái, máy con và sản phẩm, được hiểu là quan hệ giữa thầy và trò, ở đây, là thứ quan hệ vô tính, không dành chỗ cho tình cảm chen vào. Như thế, với cách nhìn này, chúng ta đang khởi đi từ một nền giáo dục hoàn toàn vắng bóng con người. Chúng ta đang tiến tới việc đào tạo không phải những con người như một chủ thể tự do, có cá tính, có kiến thức, biết độc lập tư duy và đồng thời cũng có những cảm xúc, ray rứt riêng tư.

Trong 16 năm giảng dạy, dù rất yêu nghề, tôi vẫn thường lưu ý học sinh: không một ông thầy nào dạy giỏi cho bằng quyết tâm tự học. Tự học đòi hỏi một phương pháp và thời gian trống. Nhà trường ngày nay có khi nào nghĩ đến việc rèn luyện cho các em kỹ năng và hứng thú tự học hay không? Nhà trường ngày nay có dành cho các em khoảng thời gian trống đủ để tự học hay không? Hay nhà trường, vì quá lo chạy theo chỉ tiêu, thành tích, đã tạo cho các em thói quen học tủ, học vẹt, học với mục đích thi đậu, chứ không phải học để làm người, do đó, đã nhìn các em như những đứa trẻ chung thân ấu trĩ, cần mớm từng câu, từng chữ, tức là phải học cho thật kỹ những bài mẫu, phải thường xuyên kiểm tra, phải răn đe, phải nhồi nhét kiến thức vào đầu, qua những tiết học thêm, dạy thêm, truy bài ngoài giờ chính khóa, đặc biệt với học sinh lớp 12, những con người đang từng bước chuẩn bị trưởng thành. Các em bị vây bủa trong một bầu không khí quá sức căng thẳng, khẩn trương, làm như thể bằng cấp là toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống. Bầu không khí ấy làm thui chột con người. Tôi biết một trường công lập được chỉ định làm thí điểm phân ban, đã xếp thời khóa biểu 45 tiết chính khóa một tuần. Những thí điểm kiểu này không rõ sẽ tồn tại được bao lâu. Trong vòng mười năm nay, việc thí nghiệm, thay đổi chương trình học, thay đổi chính sách tuyển sinh, thay đổi sách giáo khoa, thay đổi mô hình giáo dục… xảy ra thường xuyên như cơm bữa, người ta không hề quan tâm đến liên tục tính của giáo dục. Nếu quan niệm nhà trường như một thí điểm, con người như một vật thí nghiệm, cứ mạnh dạn làm đi, sai đâu sửa đó , tức là các vị gánh trọng trách hoạch định đường lối đã khinh xuất, vi phạm nguyên tắc sư phạm. Cái sai trong giáo dục, có thể di lụy tới một vài thế hệ.

Tôi có dịp trò chuyện với một ông thầy chấm thi đại học môn văn. Theo ông, việc chấm văn ngày nay rất công bằng, rành rọt, mỗi bài luận gồm bao nhiêu phần, bao nhiêu ý, đều có thang điểm chi ly, chuẩn xác, chỉ cần trình bày đầy đủ các ý, học sinh sẽ được điểm cao. Minh bạch thật, nhưng là cái minh bạch lạnh lùng của bộ môn khoa học tự nhiên, hoàn toàn xa lạ với tư duy văn học, mang dấu ấn con người. Ở đây, lối suy nghĩ độc lập, phi truyền thống không còn đất đứng, đặc biệt trong hệ thống thi cử mang nặng tính chất từ chương, nhai văn, nhá chữ. Đó là hệ quả tất yếu của thứ quan niệm những chiếc máy cái đẻ ra những chiếc máy con. Tất cả phải tuân thủ thứ trật tự, khuôn phép đã được lập trình. Người lớn giáo dục các em vậy đó, họ dạy các em khen chê rập khuôn như những con vẹt, nhưng lại đòi hỏi các em phải biết phát huy sáng kiến, phải biết tư duy độc lập, sáng tạo. Những phẩm chất ấy từ đâu mà đến? Chúng ta đang chết ngộp giữa những khẩu hiệu rất đẹp, rất kêu, nhưng vô nghĩa, trá ngụy vì không thực sự được quan tâm.

Môi trường giáo dục ngày nay đặt mọi cá nhân trong tâm trạng thường xuyên lo âu. Giám đốc Sở lo, Hiệu trưởng lo, giáo viên lo, phụ huynh lo, rồi học sinh càng lo. Nhưng lo, rất lo, lo cuống quýt, không phải để đào tạo thế hệ trẻ tương lai của đất nước, mà lo vì thành tích, chỉ tiêu. Xin dẫn chứng:

Báo CG&DT số 1228, độc giả Hồng Lam viết: Ở vùng sâu vùng xa, các em học sinh lớp 1,2,3 dù học có thế nào, cũng được lên lớp, dù có trường hợp phụ huynh “ xin cho lưu ban” để có sự chuẩn bị các lớp đầu tiên cho tốt hơn, vẫn không được! Hỏi ra mới biết đây là quy định của phòng GD, bởi học sinh phải lên trên lớp ba mới được công nhận đã “xóa mù chữ”.

Đó là chuyện năm 1999 ở vùng sâu vùng xa. Tới 2004, tại một tỉnh duyên hải, tình trạng càng đáng sợ hơn. Báo Thanh Niên ngày 5.11.2004 cho biết: có học sinh học đến lớp 6 vẫn không… biết chữ… chuyện hoàn toàn có thật và không phải cá biệt… nhiều trường tiểu học cố gắng bằng “mọi giá” phải “duy trì” thành tích tốt nghiệp tiểu học 100%. Đó là chuyện của một tỉnh duyên hải, nhưng còn cả nước thì sao? Tại sao cái tệ trong giáo dục lại càng lúc càng tệ hơn? Những tiếng hô đầy khí thế “Chăm phần chăm”, chỉ nên xuất hiện trong những cữ nhậu phè phỡn, thì nay nó được sử dụng lan tràn trong học đường. Để đạt thành tích “chăm phần chăm” đó, có bao nhiêu học sinh, thuộc loại kém, cá biệt, lẽ ra cần được quan tâm nhiều hơn, thì đã bị hy sinh, bị gạt ra, bị loại trừ. Để đạt thành tích “chăm phần chăm” đó có bao nhiêu tính toán, thủ đoạn vặt đã được sử dụng, thứ thủ đoạn khiến một nhà giáo chân chính phải đỏ mặt vì xấu hổ. Câu châm ngôn Tất cả vì học sinh thân yêu, có lẽ phải được cải biên thành Tất cả vì chiếc ghế thân yêu.

Đọc bài Nào, ta lại thi đua theo phong trào. (CG&DT-số 1482), của anh Khổng Thành Ngọc, tôi cảm nhận được những bực dọc, phẫn nộ, cay đắng của một nhà giáo thấy rõ điều sai, mà đành bất lực, vì tất cả đều bị bóp đến nghẹt thở trong một cơ chế phi lý. Theo anh Ngọc, Đã bao lâu nay, giáo viên bị chìm ngập trong vô số cuộc thi đua… thi đua chồng chéo lên nhau, kín hết thời giờ của giáo viên… Tính vụ hình thức nảy sinh từ đó… sức ỳ hiện nay của ngành giáo dục vì chưa nhận thức được những tác hại của thói vụ hình thúc, chạy theo phong trào, đuổi bắt thành tích “ảo”. Tôi tự hỏi, chừng nào thầy giáo Ngọc nói riêng và các nhà giáo nói chung mới hết ưu tư? Ai sẽ trả lời cho vấn nạn này?

Phải chăng chính môi trường giáo dục rất căng thẳng và cũng rất gần với không khí chợ búa, đã khiến một vài thầy cô mất bình tĩnh, đánh đập học sinh một cách vô lối, đồng thời cũng có những học sinh, cha mẹ học sinh, xông vào lớp hoặc chặn đường đánh thầy cô. Khi dùng hai chữ chợ búa gắn với môi trường giáo dục, tôi rất đau lòng, nhưng biết dùng từ gì chính xác hơn. Việc nhà trường ép buộc phụ huynh tự nguyện ký đơn xin cho con em học thêm, hiện tượng ấy nên gọi là gì? Việc một vài giáo viên yêu cầu học sinh học thêm tại nhà, em nào không học đều bị trù dập quanh năm, hiện tượng ấy nên gọi là gì? Báo Tuổi Trẻ ngày 29.10.2004, trang 10 ghi lại lời một em nhỏ dặn mẹ : “Mẹ nhớ không được nói với ai rằng con đi học thêm, vì nếu người ta biết thì trường con bị xóa sổ, cô bảo tụi con như thế”. Lời trẻ thơ ấy nói lên điều gì? Việc một trường nọ, đầu năm học bắt phụ huynh đóng 700.000 đồng tiền phụ đạo hai tháng rưỡi, rồi một trường kia bắt học sinh đóng 300.000 đồng để mua hai bộ đồng phục và một bộ quần áo thể dục. Cứ thử làm một phép tính nhanh, nhân tiền học phí một tháng với 50 học sinh/lớp, trừ số tiền thù lao phải trả cho giáo viên, chúng ta sẽ thấy việc kinh doanh chữ nghĩa mang lại một nguồn lợi khổng lồ; lại còn mặt hàng khác: sách giáo khoa, số lợi hàng năm là bao nhiêu? Kiến thức ngày xưa được trân trọng gọi là chữ thánh hiền, ngày nay trở thành mặt hàng giữa chợ. Những hiện tượng ấy nên gọi là gì? Tôi luôn lên án hành vi trò đánh thầy, nhưng trong một môi trường giáo dục mang không khí chợ búa, hành vi phi đạo đức ấy có thể hiểu cách nào nữa không?

Viết tới đây tôi rất lo, chỉ sợ xúc phạm những nhà giáo chân chính. Tôi có anh bạn dạy lớp 12, rất băn khoăn, ray rứt khi cầm số tiền 50.000, thù lao cho một tiết truy bài vào buổi chiều, việc làm mà anh cho là phi lý. Nhưng đó là cơ chế, biết sao hơn!

Một điều nữa khiến tôi luôn bận tâm: đem giáo dục giới tính vào trong nhà trường. Rất tốt và rất cần, nhất là trong thời kỳ bùng nổ nhiều vấn đề xã hội nóng bỏng. Nhưng điều đáng nói là người ta đã dạy các em những gì? Dưới bảng hiệu Giáo dục giới tính, xem ra người lớn có vẻ hoàn toàn đặt nặng vấn đề an toàn tình dục, mục đích: tránh lây nhiễm HIV/AIDS và ngừa thai, một gánh nặng của người lớn, của xã hội. Tôi nhớ một chuyên viên tư vấn có thế giá đã khuyên các em nên hoãn cái… sự ấy lại, một khi chưa tìm được bao cao su. An toàn trước đã! Đúng và khôn đấy các em, nhưng tôi lại buồn vì ở nhà trường, Giáo dục giới tính, trong chừng mực nào đó bị đơn giản hóa vào giáo dục sinh lý, tính dục và tôi có cảm tưởng rằng học sinh được nhìn, xin lỗi các em, như những động vật đến thời kỳ giao phối. Giáo dục giới tính phải được hiểu theo hai chiều kích: tâm lý và sinh lý. Ở tuổi các em, lời mời của giới tính, nếu có, trước hết là lời mời của tình yêu, là khát vọng chia sẻ giữa cơn khủng hoảng của tuổi mới lớn, là niềm đam mê, là ánh mắt, là nụ cười, có thể là nước mắt, là những dấu hỏi bất ngờ làm gợn sóng một thời bình yên. Tình yêu, ở tuổi mới lớn là thứ ước mơ rất đẹp, trước sau không ai tránh khỏi và cũng không ai muốn tránh, nó là bước khởi đầu của vòng truyền sinh. Giáo dục giới tính trên một bình diện nào đó, phải được hiểu là giáo dục một quan niệm đứng đắn về tình yêu, về hôn nhân, phù hợp với tinh thần văn hóa Á đông. Chúng ta vẫn hô hào phát huy văn hóa dân tộc, mà văn hóa dân tộc, dân tộc Việt Nam, không đơn giản lồng vấn đề giới tính, vấn đề tình yêu vào trong chiếc bao cao su. Các em nên nhớ rằng, tình yêu chân chính bao hàm sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng trước hết là không chỉ biết đòi hỏi những thỏa mãn cho riêng mình. Như thế, tình yêu đích thực, trong chừng mực nào đó hoàn toàn xa lạ với những đòi hỏi tiền hôn nhân, nó không hối thúc người trong cuộc đi kiếm bao cao su. Đó là chút vẻ đẹp rất đáng trân trọng còn sót lại của nền luân lý Á đông, thứ văn hóa thường được rất mực đề cao trong những… khẩu hiệu. Giữa một thế giới băng hoại, ai dám bảo công, dung, ngôn, hạnh là những chuẩn mực phong kiến, lỗi thời, cho dù ngày nay chúng ta không thể hiểu một cách cứng ngắc như các cụ thời xưa. Giáo dục tình yêu phức tạp vì không vạch sẵn cho các em một lối mòn để đi, nó không đơn giản như việc chỉ cho các em con đường đến nhà thuốc tây, đến bệnh viện phụ sản, mà nó mở ra nhiều chiều hướng có khả năng đạt đến khát vọng: hạnh phúc trong cuộc đời. Đơn giản giáo dục giới tính vào những biện pháp an toàn tình dục, người lớn đã lánh nặng, tìm nhẹ, tránh khó, tìm dễ. Quan trọng hơn, chúng ta đang đối diện với một vấn đề thuộc bản chất con người.

Lại đến Ngày nhà giáo rồi, ngày 20.11, ngày thiêng liêng. Ông thầy giàu tâm huyết không đợi ngày này để tiệc tùng và nhận những món quà. Ông coi ngày này như một dịp để tự vấn: ông đã làm được gì và còn phải làm gì? Trong một môi trường giáo dục chắp vá và không an toàn, các em chính là những nạn nhân. Rất tiếc, tôi hoàn toàn không đủ tư cách đại diện các đồng nghiệp để nói lời xin lỗi các em. Tôi chỉ là một cá nhân đơn lẻ và tệ hơn, chỉ là một giáo già hưu non.
17.11.2004

TÂM TÌNH CỦA MỘT GIÁO GIÀ HƯU NON (BÀI 2)


Vũ Lưu Xuân

Cũng ngày này năm trước, tôi đã có dịp tâm tình với các em học sinh, bằng tư cách của một giáo già hưu non. Năm nay giáo già hưu non xin thưa chuyện với qúy vị hiện còn may mắn phục vụ trong ngành giáo dục, một ngành mà những ai quan tâm tới tương lai đất nước đều mong muốn tham gia, hoặc ít nhất có cơ hội trao đổi và được lắng nghe.

Xin gọi một cách thân mật, và cũng hơi mạo muội, đội ngũ phục vụ trong ngành giáo dục là những đồng nghiệp của tôi, dù trẻ hay già. Từ nghìn xưa chúng ta thường được tôn xưng bằng nhiều mỹ từ, nhưng với tôi, đẹp nhất vẫn là bốn chữ lương sư hưng quốc, bốn chữ gắn vai trò ông thầy với một trọng trách, một sứ mạng , từ đó nghề giáo được coi như thiên chức. Hoàn thành thiên chức chúng ta có quyền tự hào đã góp phần, dù rất nhỏ, làm nên lịch sử, ngược lại, chúng ta sẽ là tội nhân của muôn đời. Đồng thời, vì nghề giáo là một thiên chức, nên trước hết, chúng ta không có quyền tự biến mình thành một lái buôn, bán chữ, hoặc một cai đầu dài. Ranh giới giữa công và tội, khởi đầu từ một chọn lựa, chọn lựa đối tượngthái độ phục vụ. Thế cho nên người làm giáo dục không thể thiếu một tấm lòng.

Viết tới đây, tôi chợt nghĩ tới “ham muốn tột bậc” của Bác, đó là : “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. “Ai cũng có cơm ăn, áo mặc” là điều kiện sống còn trước mắt, và “Ai cũng được học hành” là điều kiện tối quan trọng để xây dựng đất nước trong tương lai. Chỉ một vế này thôi, đủ đặt ra cho chúng ta biết bao vấn đề, biết bao trách nhiệm. Và, Các đồng nghiệp của tôi, chúng ta đã làm được gì ?Và đang làm gì ? Là những câu hỏi cần được trả lời sòng phẳng và trung thực.

Sinh ra, con người buộc phải chấp nhận xuất phát từ một khởi điểm tuyệt đối không đồng đều. Tới đây giáo dục bắt đầu thể hiện khả năng và vai trò của nó, giúp tạo ra cơ hội đồng đều cho mọi thành viên, từ đó rút ngắn những khoảng cách hầu như phi lý, hầu như bất công, và cũng từ đó cuộc sống của mọi người đều có cơ may thăng hoa, dẫn theo sự phát triển chung của xã hội, của đất nước.

Ai cũng được học hành”, đây là đối tượng phục vụ, Bác đã vạch ra cho chúng ta, những người hoạt động trong ngành giáo dục. Giáo dục, kể cả giáo dục chất lượng cao không thể là đặc quyền của một lớp người vốn đã được ưu đãi. Muốn thế, điều kiện tiên quyết, giáo dục phải nằm trong tầm với của mọi thành viên xã hội, cụ thể những chi phí, đóng góp để thủ đắc giáo dục phải ngang tầm với mặt bằng thu nhập quốc dân, để nó không trở thành một gánh quá nặng đối với đại đa số, quanh năm lấm lưng tối mặt, mà chính họ lại là thành phần cần đến giáo dục như một phương tiện hữu hiệu, nhằm cải thiện điều kiện sống, cả vật chất lẫn tinh thần, vốn đã rất đắng cay. Về phương diện này, các đồng nghiệp của tôi, các bạn đã làm được gì ? Tôi đi tìm câu trả lời và chỉ bắt gặp những tiếng than: của một phụ huynh :“Đời chúng tôi nghèo, nay cố gắng giúp cho con ăn học để thoát cảnh nghèo như cha mẹ nó, nhưng thất vọng rồi !...” (Trần Hoàng Nhiên - Cà Mau – Tuổi trẻ, 31.10.2005). Và từ phía người đi học: “Em mong được tiếp tục học, mong bộ GD-ĐT giúp đỡ cho những người như em thoát khỏi kiếp nghèo, thoát khỏi mù chữ” (sinh viên cao đẳng Phan Văn Nghĩa – Tuổi Trẻ, 3.11.2005). Hai tiếng than hàm chứa một thực tế bi đát, khiến tất cả chúng ta, những người làm giáo dục, nếu không vô cảm, tất phải giật mình, tự hỏi. Trước mắt con em muốn tiến thân bằng con đường học vấn có muôn vàn rào cản không đáng có, sao vậy ? Câu trả lời trở thành một vấn nạn thuộc lương tâm. Tiếc rằng, trong giáo dục, biết bao điều tác tệ khiến cho tiếng than ngút trời ấy mỗi lúc một dài thêm và đau thêm.

Rào cản đó là gì? Lớn nhất là Học phí.Tất nhiên, không một nhà nước nào có thể bao cấp trọn gói cho giáo dục, và phụ huynh có bổn phận phải tiếp tay, nhưng:

- Với sinh viên, học phí (dự tính 900.000/tháng), kể thêm cơm ăn , áo mặc, chỗ ở, để có thể cố sống mà học hành, lớn gần gấp đôi lương tháng của một công nhân viên chức, là phụ huynh, để khi ra trường, nếu không tìm được chỗ ngon ăn, sinh viên tốt nghiệp lại lĩnh đồng lương bằng phân nửa số học phí đã chi ra, chuyện chi mà lạ vậy?

- Với học sinh trung học, kế hoạch “tính đúng , tính đủ”, “Giáo dục chất lượng cao”, theo quan điểm:“dịch vụ chất lượng cao thì phải đóng tiền” (vấn đề này còn rất nhiều điều phải bàn về khía cạnh xã hội, đạo đức, và nguyên tắc sư phạm). Rồi đây số con em phải bỏ học sẽ là bao nhiêu ? Rồi làm sao xóa mù ? Rồi làm sao phổ cập trung học ? Rồi làm sao báo cáo? Rồi làm sao giữ ghế? Có lẽ tấm gương Cà Mau không học, không thi vẫn có bằng, sẽ là điển hình đáng để âm thầm nhân rộng trên cả nước.

Lý do phải tăng học phí (có trường hợp cao gấp 5 lần) ? : Lãnh đạo ngành thường than : thiếu tiền. Thật vậy không khi mà năm nay nhà nước đã dành 18% ngân sách cho giáo dục (trên 45000 tỉ) và năm sau là 19% (55000 tỷ), thêm nữa nhân dân những năm qua đã đóng góp 50% kinh phí, trong đó có mồ hôi, nước mắt, có chạy vạy tất tả ngược xuôi của các bậc phụ huynh không muốn con em lầm than vì dốt. Số tiền chi cho giáo dục trên dưới 100.000 tỷ, con số nhiều nước trên thế giới phải ước mơ .

Kết qủa là gì ? Là một tình trạng hổ lốn, chắp vá vì lãng phíthiếu trách nhiệm – tôi muốn đề cập tới thái độ phục vụ. Xin chứng minh :

Ai cũng phải sợ khi nghe GS Dương Thiệu Tống, GS Nguyễn Xuân Hãn, GS Hoàng Tụy, Đại biểu Nguyễn Đức Dũng ...góp ý về sự lãng phí tiền vay nợ nước ngoài (tất nhiên con em sau này phải trả), đại loại : một phần ba số nhân sự trong ngành không đứng lớp, trong lúc tỉnh nào cũng than tình trạnh thiếu giáo viên trầm trọng ; nghiên cứu một đề án chương trình tiểu học cần tới gần 2000 người tham quan, khảo sát nước ngoài, xin nhớ người tham quan khảo sát phải có trình độ chuyên viên, liệu nước ta có nhiều chuyên viên bậc tiểu học đến thế hay không ; có năm trung bình 3 ngày một cuộc họp ở tầm quốc gia ; rồi vấn đề đổi mới sách giáo khoa, mỗi năm ngốn mất 1000 tỷ đồng.

Lãng phíthiếu trách nhiệm ở đâu ? Xin chứng minh : gần 2000 người tham quan, khảo sát nước ngoài, cuối cùng đẻ ra cái chương trình tiểu học lạ đời, áp dụng chưa được nửa năm, cả nước đều than, trò không học nổi, thầy không dạy được. Lại xin chứng minh : chúng ta chi 1000 tỷ mỗi năm cho sách giáo khoa, trong khi theo nhiều nhà khoa học chỉ cần 100 tỉ đồng đủ để cải cách sách giáo khoa từ lớp 1 tới lớp 12. Cũng xin lưu ý điểm này, trên thế giới sách giáo khoa các nước từ 5 tới 10 năm mới thay đổi một lần, để duy trì liên tục tính, ổn định tính, đồng thời vẫn không bị lạc hậu trước đà tiến vũ bão của tri thức. Chỉ cần 5 năm không đổi sách giáo khoa, và chi đúng (tức 100 tỷ), chúng ta đã bớt lãng phí được 4900 tỷ, đồng thời các gia đình nghèo tránh khỏi cảnh : em không học được sách của anh, lại phải móc hầu bao mua sách mới. Chi số tiền khổng lồ, mà sách giáo khoa, tức pháp lệnh, năm nào cũng sai, đó mới là chuyện lạ. Nguyên nhân vì đâu ? Trước hết và dễ thấy nhất là dùng người không đúng khả năng. Nhưng phía sau đó, còn những lý do nào khác ? Còn những uẩn khúc gì?. Các đồng nghiệp của tôi, số tiền Nhà nước và nhân dân đóng góp cho giáo dục, không thể coi như mâm xôi thịt giữa chốn đình trung dành cho các bậc chiếu trên.

Đồng nghiệp của tôi, các bạn nghĩ sao, khi theo ông Nguyễn Đức Dũng, nếu bộ GD-ĐT không lãng phí, “chúng ta hoàn toàn không phải tăng học phí, thậm chí có thể giảm học phí.” Vậy thì, những việc chúng ta đang làm đây, là công? Là tội? Tội với người đời nay? Hay tội với người đời sau?.
Tôi lại nghĩ tới nỗi đau của Bác, nỗi đau vì ước muốn “ai cũng được học hành”, chưa được chúng ta quyết tâm thực hiện. Tôi lại nghĩ tới nỗi đau của các bậc thầy : thầy Dương Thiệu Tống, thầy Trần Văn Tấn, thầy Hoàng Tụy, ... biết bao lời tâm huyết của các bậc thầy vị vọng chẳng khác gì gió thoảng bên tai, vậy thì, mấy lời chân thật của một giáo già hưu non, ai nghe ?
17.11.2005

Friday, November 2, 2007

HỌC PHÍ, CƠ HỘI NÀO CHO CON EM NGHÈO

Vũ Lưu Xuân

Cách đây không lâu, chương trình VTV buổi tối có nhắc lại quyết tâm của TPHCM trong việc phổ cập bậc THCS. Cạnh đấy, theo Nghị quyết TƯ 2, khóa VIII của Đảng, đến năm 2010 (tức 3 năm nữa, thời gian không còn dài), phải hoàn thành phổ cập THCS trên cả nước theo chuẩn Quốc gia. Đây là một chủ trương hoàn toàn đứng đắn và cấp thiết, vì đối với các quốc gia nghèo, đang phát triển, đặc biệt trong thời đại này, mọi cuộc cách mạng kinh tế, xã hội muốn bền vững, đều phải khởi đầu bằng cách mạng Dân trí, thông qua phát triển giáo dục. Cách mạng Dân trí là điều bậc tiền bối Phan Chu Trinh đã từng tha thiết hô hào cách nay một thế kỷ. Tuy nhiên muốn phổ cập THCS, trước hết phải vượt qua rào cản có tính quyết định: học phí. Điều nghịch lý là, thay vì miễn giảm học phí, để mọi trẻ em có thể vượt qua hàng rào nhằm đạt tới mức thấp nhất của tri thức, tức cơ sở, thì chúng ta lại có khuynh hướng nâng hàng rào đó lên cao gấp 2-3 lần.

Về học phí, xin bắt đầu bằng một mẩu tin đau lòng đăng trên Tiền Phong online ngày 04.8.2007: “Cháu Nguyễn Thị Hải và Hồ Thị Viện đều sinh năm 1992, trú tại xóm 7 xứ đạo Xuân An, xã Quỳnh Xuân. Ngày 29/7/2007, 2 cháu vui mừng khi được tin cùng đậu vào lớp 10 công lập liền rủ lên lèn đội đá kiếm tiền học phí. Khoảng hơn 8 giờ sáng, một khối đá chiều ngang 1,5m dày 3m bất ngờ đổ ụp xuống đè chết 2 cháu”. Tự thân mẩu tin có thể thay cho mọi lời bình.

Xin xếp một cách đơn giản học phí vào hai hệ thống: học phí trường nhà nước (gồm trường công lập, công lập tự chủ tài chính, và cả các trường bán công chưa chuyển sang công lập) và học phí trường tư (gồm dân lập và tư thục).

I- Học phí trường công
Đối với trường nhà nước, khoảng cuối tháng 6, tất cả các báo đồng loạt loan tin: học phí sẽ tăng gấp 2-3 lần. Riêng Đại học, học phí cao gấp 5 lần mức hiện hành (900.000/ tháng). Trước sự kiện này, dư luận quần chúng không ngớt xôn xao, xin trích ít dòng trên báo điện tử Dân Trí ngày 27.6.2007: “Anh Lê Bá Hưng, nhân viên một công ty bảo vệ ở Q.1 cho hay: Hai vợ chồng vừa nhập KT3 xong, tính cho thằng con 4 tuổi vào một trường mẫu giáo công lập nào đó, nhưng nghe học phí tăng thế này thì chịu thôi. Đành cho nó về quê ở với ông bà nội để đi học chứ biết sao giờ… niềm vui sau một ngày làm việc mệt nhọc, về nhà chơi cùng con sẽ không còn. Nhưng…Đành vậy”.

Cũng Dân Trí, ngày 29.6.2007 có đoạn: “Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Chế độ học phí mới phải thực hiện được công bằng, bình đẳng về cơ hội học tập, chỉ điều chỉnh từng bước…”. Đây là ước mơ của mọi người, nhất là những người nghèo muốn đổi đời bằng con đường học vấn. Đây cũng chính là lý tưởng của CNXH. Tuy nhiên ông Nguyễn Thiện Nhân còn tiếp: "Học phí phải gắn với chất lượng giáo dục, những cơ sở giáo dục có chất lượng cao phải được phép thu học phí cao". Câu này hoàn toàn chính xác về mặt luận lý, nhưng hình như lại mâu thuẫn với lý tưởng công bằng, bình đẳng về cơ hội học tập. Sở dĩ có nghịch lý trên, vì cách hiểu hai chữ Công lập của chúng ta hoàn toàn chẳng giống ai.

Lược qua một số định nghĩa:

Tự điển Việt Nam- Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ: Trường Công: trường học do Nhà nước lập ra, dạy không ăn tiền.
Từ điển tiếng Việt- Viện ngôn ngữ học: Trường Công lập= Quốc lập: do Nhà nước lập ra và đài thọ các khoản chi phí.

Từ điển Webster’s: Từ Public school được gắn liền với hai chữ: usually free (thường thì miễn phí).

Trong khi đó, các hình thức công lập của chúng ta, từ cấp hai trở lên đều phải đóng phí, và phí cao.
Để biện minh cho chủ trương học sinh trường Công phải đóng học phí, Nhà nước đưa ra lý do: Ngoài phần hổ trợ của Nhà nước theo khả năng ngân sách, học phí cần bảo đảm trang trải chi phí cần thiết cho giảng dậy, học tập và có tích lũy để đầu tư phát triển nhà trường, đủ bù đắp chi phí thường xuyên, và vì: với mức thu hiện nay, các trường cho rằng không đủ để họ tồn tại và phát triển (người viết tự tô đậm). Mấy chữ: bảo đảm trang trải, tích luỹđủ bù đắp cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về gánh nặng đè trên vai phụ huynh và con em. Cạnh đó, không hề thấy, dù chỉ thấp thoáng, bóng dáng phần hổ trợ của Nhà nước theo khả năng ngân sách. Cần nhớ, ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục năm 2001 là 15.609 tỷ đồng và đến năm 2007 tăng lên tới hơn 66000 tỷ đồng (tăng hơn 4 lần), cộng với đóng góp tương đương của xã hội, chúng ta có một qũy giáo dục cao ngất ngường, có lẽ trên dưới 120.000 tỷ đồng, vào hàng cao nhất trong khu vực. Vậy tại sao vẫn phải tăng học phí. Câu trả lời, xin đi hỏi Gs Nguyễn Xuân Hãn, bậc thầy mà tôi không có cơ may được thụ nghiệp, nhưng vẫn luôn luôn kính trọng tâm huyết của ông. Vẫn theo thầy Hãn, với một ngân qũy như thế, ngành Giáo dục không cần tăng học phí mà vẫn đủ để tăng lương, đồng thời giảm học phí cho con em, với điều kiện là…
Nhìn các nước trên thế giới mà thèm. Xin trưng ra hai thí dụ: một đất nước XHCN, và một đất nước theo Tư bản chủ nghĩa. Ở Cuba, học sinh tất cả các cấp đều được học hành miễn phí. Có thể qúy vị sẽ phản biện rằng, Cuba là một nước ít dân (11 triệu), nên việc đài thọ chi phí giáo dục tương đối dễ. Nhưng còn Thái Lan thì sao? Dân số 65,4 triệu (thống kê 2005), vậy mà học sinh được học miễn phí trọn 12 năm, và đang tính tăng lên thành 15 năm.…
Thái Lan, Singapore, Malaysia đã trở thành những con rồng thực sự, nguyên nhân không phải nhờ những phép mầu, mà nhờ một đường lối đứng đắn, hợp lý trong việc phát triển kinh tế song hành với phát triển giáo dục. Nhà nước ở đó không hề so đo, không hề ngại tốn kém, không đòi hỏi học phí phải bảo đảm trang trải, phải đủ bù đắp… Chứng minh bằng những con số: ngân sách đầu tư cho giáo dục ở Trung quốc bình quân là 105USD/người, Thái Lan là 350USD/người, Malaysia là 720USD/người, còn chúng ta là 53USD/người. Đây là số liệu năm 2004, rất tiếc chúng tôi không có số liệu cập nhật (nguồn www.mof.gov.vn). Nếu có tầm nhìn xa, Nhà nước tuyệt đối không thể coi Giáo dục là ngành đầu tư có lợi trước mắt, và cân đong đo đếm lời lỗ được.

II- Học phí tư thục.

Có thể khẳng định học phí trường tư đang hoàn toàn được thả nổi. Tại sao? Câu trả lời có thể đến, nếu người đọc chịu khó suy nghĩ.

Toàn thành hiện có 52 trường trung học Tư thục và Dân lập. Xin đưa ra số liệu của 1/12 trường tư thuộc loại nhỏ nhất, tức chỉ có dưới 10 lớp. Trường tư có quyền tự quyết về mặt học phí. Vì nhỏ, muốn tồn tại, phải có một mức học phí thấp nhất, thấp 2-3 lần so với những trường lớn, có thương hiệu.

Học phí:
-Lớp 6, 7 400.000 đ/tháng.
-Lớp 8 450.000 đ/tháng.
-Lớp 9, 10 500.000 đ/tháng.
-Lớp 11 550.000 đ/tháng.
-Lớp 12 650.000 đ/tháng.

Cơm trưa bán trú: 220.000 đ/tháng.

Nội trú đóng thêm: 650.000 đ/tháng. (cộng chung là 870.000 đ/tháng tiền ăn ở).

Liệu rằng mức phí thấp nhất đó, phụ huynh nghèo có cáng đáng nổi không?

Lại thử tính mức lãi ròng của một trường thuộc loại nhỏ nhất, phải thuê mặt bằng, để thấy ngành kinh doanh chữ nghĩa, một khi được thả nổi, sẽ béo bở tới mức nào.
Bình quân các lớp mỗi tuần học 44 tiết, một tháng trên dưới 180 tiết.

Tiền giờ trả cho Gv:
-Lớp 6,7,8 25.000 đ/tiết.
-Lớp 9 30.000 đ/tiết.
-Lớp10 30.000-35.000 đ/tiết, tuỳ môn.
-Lớp 11 30.000-40.000 đ/tiết, tuỳ môn.
-Lớp 12 35.000-45.000 đ/tiết, tuỳ môn.
Nếu lấy tiêu chuẩn lớp 9, với 30 hs:

-Tiền thu học phí: 30x500.000 = 15.000.000 đ/tháng
-Tiền chi:
*Mặt bằng thuê: 1.000.000 đ/thg.
*Điện nước, vệ sinh, khấu hao: 500.000 đ/thg.
*Giáo viên quản nhiệm: 1.200.000 đ/thg.
*Gv đứng lớp: 30.000 đ x 180 tiết = 5.400.000 đ/thg .
-Cộng chung chi: 8.100.000 đ/tháng.
Trừ thêm chi phí linh tinh (tính cao tối đa), lãi ròng còn khoảng 5.000.000 đ/tháng.

Đối với những trường lớn khoảng 100 lớp, học phí gấp đôi, và sĩ số lên tới 4,50hs/lớp thì sao? Bởi thế người ta tính rằng, trường tư lớn lời khoảng 1 tỷ tới 1,8 tỷ/ tháng. Ai là người gánh khoản lợi nhuận này? Xin thưa, con em ta đó. Tôi thực sự nghi ngờ thiện chí của những nhà-giáo-kinh-doanh-chữ-nghĩa đối với tương lai con em, cũng là đối với tiền đồ dân tộc.

Trở lại việc phổ cập cấp THCS. Ở các nước trên thế giới, học sinh trong lứa tuổi phổ cập, nếu không đi học, cha mẹ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Singapore chẳng hạn. Trẻ đang trong tuổi cưỡng bách giáo dục mà không đi học thì cha mẹ bị phạt tới 5.000 đô Sing. và có thể bị phạt tù, nhưng không quá 12 tháng. Còn chúng ta, bắt buộc phổ cập cấp hai, nhưng học phí lại trên trời, phụ huynh biết hỏi ai? Chẳng lẽ phạt các bậc cha mẹ đành để con thất học, chỉ vì không kham nổi học phí.
Xin nhớ, điều kiện tiên quyết để phổ cập phải là: phổ cập tới đâu, miễn phí tới đó.
Đứng trước nỗi bức xúc của phụ huynh đối với việc tăng học phí, đầu tháng 7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng đã giải thích với báo chí rằng: "Bộ chưa trình Chính phủ đề án học phí mới, nên Bộ chưa có chủ trương chỉ đạo các tỉnh, thành điều chỉnh học phí". Thật may, nhưng thưa các bậc phụ huynh, nói chưa chỉ đạo tăng, không đồng nghĩa với không tăng. Và các bậc phụ huynh vẫn có quyền tiếp tục lo.
29.8.2007

Thursday, November 1, 2007

GIÁO DỤC VÀ THƯƠNG MẠI


Vũ Lưu Xuân

1. GIÁO DỤC VÀ THƯƠNG MẠI

Giáo dục và Thương mại là hai hoạt động độc lập, nhưng tương tác, đồng tồn tại trong mọi hình thái xã hội tiến bộ. Ở một phạm vi nào đó, Giáo dục bổ sung cho thương mại, nó nghiên cứu hệ thống quy luật chi phối thương mại, và cung cấp những thành tố chuyên sâu, giúp cho thương mại hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên giữa Giáo dục và Thương mại có những điểm khác biệt rất rõ, và hầu như bất tương dung, cụ thể là về mặt mục tiêu.

a- Giáo dục. Mục tiêu hàng đầu của Giáo dục là đào tạo. Giáo là dạy dỗ, Dục là nuôi dưỡng, nhằm đào tạo những con người toàn diện về ba mặt Trí, Đức, Thể. Đối với việc dạy dỗ, truyền thống văn hóa Dân tộc chủ trương: Tiên học Lễ, hậu học Văn, như thế Đạo đức được đặt trên Tri thức một bậc. Trong Từ điển Bách khoa Việt Nam, mục từ Giáo dục đạo đức được định nghĩa là: “Bộ phận quan trọng có tính chất nền tảng của giáo dục, có nhiệm vụ rèn luyện lý tưởng, ý thức, thói quen, hình thành ở học sinh các phẩm chất đạo đức...” (Tập 2, trg 120). Xin đặc biệt lưu ý cụm từ tính chất nền tảng của giáo dục.

Với phương châm “Tiến Đức, Tu Nghiệp”, hệ thống Giáo dục một thời bị đánh giá là phong kiến, lạc hậu, đã cung cấp cho chúng ta quan niệm rất rõ về mục tiêu, nhiệm vụ của giáo dục. Nhắc đến cách dạy học của Khổng Tử, Nhan Hồi nói: “Phu tử tuần nhiên, thiện dụ nhân: "bác ngã dĩ văn, ước ngã dĩ lễ” (Phu tử cứ tuần tự khéo dạy dỗ người: lấy văn học làm rộng kiến thức của ta, lấy lễ nghĩa mà ước thúc hành vi của ta*) Ở đây, Văn học được hiểu là Tri thức nói chung. Trong hệ thống Giáo dục này, nhiệm vụ của ông thầy được coi là Thiên chức, tức là một chức vụ thiêng liêng, cao cả do Trời trao phó, qua đó chuẩn bị cho môn sinh vào đời, bằng cách lấy hành vi của mình làm chuẩn mực và dạy dỗ môn sinh cách đối nhân xử thế, đồng thời chuyển giao Tri thức cho các thế hệ đàn em. Giáo dục luôn có tính kế thừa và nâng cao. Chính vì ý thức vai trò cao cả của Giáo dục, nên đối với ba ngàn tử đệ, Khổng Tử tuyệt đối không đặt vấn đề lợi nhuận trong việc thu nhận môn sinh. Ngài từng nói với học trò: “Tự hành thúc tu dĩ thượng, ngô vị thường vô hối yên” (Từ người đem lễ bó nem trở lên, ta chưa từng không dạy ai vậy), hành vi đó hàm ý không thể coi Giáo dục như món hàng để bán. Qua phần trên, xin nhấn mạnh nguyên tắc: Giáo dục nhằm mục tiêu đào tạo, không nhằm mục tiêu lợi nhuận. Nếu có lợi, chắc hẳn không phải cái lợi vật chất trước mắt đem đến cho ông thầy, mà là cái lợi lâu dài của đất nước, từ đó mới có 4 chữ Lương sư hưng quốc. Chính vì thế, vị trí của ông thầy trong Tam cương còn cao hơn cha mẹ, người đã cho con hình hài. Dấn thân vào sự nghiệp Giáo dục, trước hết ông thầy phải quyết tâm thực hiện mục tiêu cao cả: trồng người. Đọc tới đây, chắc hẳn có bạn cho rằng tôi đòi hỏi quá đáng giữa thời buổi cơm áo, gạo tiền. Tuy nhiên, nếu chúng ta không thể là thánh nhân, thì ít nhất, chúng ta cũng không cam tâm biến mình thành tội nhân, tức lấy lợi nhuận qua việc bóc lột học sinh làm mục đích sống còn của cuộc đời.

b. Thương mại. Mục tiêu hàng đầu của Thương mại là lợi nhuận. Thương mại hiểu nôm na là hoạt động lưu thông hàng hoá, nhằm tạo ra lợi nhuận cho nhà buôn, từ chênh lệch giá thu của khách hàng. Hoạt động thương mại không ngoài mục đích làm giàu cho bản thân, bởi vậy người ta thường nói: Phi thương bất phú. Đào Duy Anh định nghĩa: bán hàng gọi là thương, mua hàng gọi là mãi (Hán Việt tự điển). Trong hoạt động Thương mại, vấn đề Đạo đức không được đặt ra. Khái niệm Thương trường như chiến trường nói lên tính chất phi đạo đức của hoạt động này. Do đó, người ta chỉ quan tâm tới Đạo đức học đường, mà không đề cập tới Đạo đức thương mại. Nếu tình trạng buôn gian bán lận bị lên án, thì sự vi phạm cùng lắm cũng chỉ thuộc phạm trù đạo đức xã hội, tức là những nguyên tắc cần để bảo đảm tính ổn định của đời sống cộng đồng.

2. THƯƠNG MẠI HOÁ GIÁO DỤC

Mấy năm gần đây, báo chí thường phản ánh bộ mặt phần nào lem luốc của ngành Giáo dục, phải kể tới những tệ nạn đến từ các cơ quan chức năng, từ giới lãnh đạo, nhưng chua xót hơn cả là những tệ nạn đến từ phía các ông thầy, bậc mô phạm, trực tiếp gánh trách nhiệm đào tạo thế hệ tương lai. Tuy nhiên, những hành vi phản đạo đức, và đáng lên án đó, chẳng qua chỉ là những hiện tượng riêng lẻ, nhất thời. Trước sau, tôi vẫn tin tưởng ở cái tâm trong sáng của tuyệt đại đa số các ông thầy, họ là những con người thầm lặng, và không cam tâm dùng thủ đoạn để hưởng lợi, hưởng đặc ân trong các cuộc bon chen. Hơn nữa, những tệ nạn này có thể cải thiện, một khi quyết tâm đưa ra biện pháp thanh lọc triệt để môi trường giáo dục, không đặc cách, không thiên vị, không có luật trừ, và cố gắng đào tạo một đội ngũ kế thừa đầy đủ phẩm chất. Theo tôi, điều thực sự đáng lo ngại chính là Thương mại hóa Giáo dục. Đây là một vấn đề gây tranh cãi nhưng có nguy cơ trở thành chủ trương của ngành giáo dục, vì nó đem lại cái lợi trước mắt: giảm được gánh nặng chi phí cho nhà nước, nhưng nó sẽ để lại hậu quả lâu dài.

Khái niệm Thương mại hóa Giáo dục nhất thiết phải được hiểu là: Biến Giáo dục thành một bộ phận của hoạt động Thương mại, bằng cách coi tri thức như một món hàng, nhằm mục đích kiếm lợi nhuận trên đầu đối tượng là học sinh. Trường học sẽ biến thành những công ty cổ phần, và chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ là những doanh nhân thuần túy. Ai dám bảo đảm các doanh nhân ấy thật lòng vì giáo dục, thật lòng vì mục đích đào tạo các thế hệ tương lai? Ai dám bảo đảm trong đám doanh nhân ấy không len lỏi vào những chủ trường cá mập, những cai đầu dài. Tất nhiên nếu Giáo dục có biến thành một hoạt động thương mại, thì cũng là một hình thái thương mại đặc thù, với những ước thúc đặc thù, nhưng với một hệ thống pháp luật còn nhiều kẽ hở, ai dám bảo đảm học sinh không biến thành nạn nhân của bọn lừa đảo và trục lợi bất chính. Quan trọng hơn, đường lối này vô hình trung đã làm thay đổi toàn diện quan niệm về mục tiêu, nhiệm vụ, giá trị của giáo dục vai trò của ông thầy. Một mặt, nó hạ thấp giá trị của Giáo dục, biến Giáo dục thành hoạt động buôn bán, một thị trường, trong đó có những cạnh tranh chân chính và chắc chắn không tránh khỏi những cạnh tranh bất chính, tất cả đều nhằm mục tiêu tạo ra lợi nhuận. Mặt khác, trong môi trường này, ông thầy mặc nhiên trở thành một cán bộ thương nghiệp, tức người bán chữ và học sinh trở thành khách hàng, người mua chữ. Gạch nối giữa thầy trò là tương quan kẻ bán, người mua, từ đó vấn đề tình nghĩa thầy trò không thể đặt ra, vì vô nghĩa, vấn đề tôn sư, trọng đạo trở thành một khái niệm lạc hậu, vì không ai đòi hỏi người mua phải yêu kính kẻ bán bao giờ. Thay đổi quan niệm về giá trị, tất yếu sẽ từ từ dẫn đến thay đổi tâm lý, thái độ phục vụ của những người trực tiếp tham gia hoạt động giáo dục. Xung đột giữa thầy và trò nếu có, phải được hiểu là xung đột quyền lợi giữa kẻ bán, người mua, và nếu khách hàng đánh con buôn vì bị ép mua hàng dổm, giá cao thì cũng là chuyện thường tình, không thể lên án nhân danh Đạo đức, mà chỉ có thể kết tội phá rối trật tự công cộng. Viết đoạn này tôi rất sợ bị hiểu lầm, vì tôi tuyệt đối không chấp nhận, lại càng không khuyến khích việc học sinh hành hung, vô lễ với thầy cô giáo. Nhưng nguy cơ tệ trạng trên xảy ra là có thật. Xin nói gọn lại cho rõ: Nếu ông thầy tự coi mình là cán bộ thương nghiệp (lưu ý mệnh đề phụ chỉ điều kiện), thì trò đánh thầy chỉ đơn thuần là xung đột giữa kẻ bán, người mua.

Tiếp đó cũng phải kể tới một hệ lụy khác: chất lượng của hàng hóa, tức tri thức và khả năng mua của các thành phần khách hàng khác nhau.

Đã có khái niệm Giáo dục chất lượng cao, thì tất yếu phải có Giáo dục chất lượng vừaGiáo dục chất lượng kém, và cũng tất yếu phải có những mức Giá cả tương xứng với chất lượng món hàng. Giáo dục chất lượng cao đương nhiên trở thành món hàng độc quyền của một thiểu số con ông, cháu cha, giàu nhưng chưa chắc giỏi và chưa chắc có đạo đức. Còn con em nhà nghèo, dù giỏi và ngoan, cũng không thể nào với tới món hàng giáo dục chất lượng đáng giá 2,3 triệu đồng/ tháng. Thế nhưng, trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta, những người làm Giáo dục, tuyệt đối không có quyền trao cho con em mặt hàng tri thức chất lượng kém, chỉ vì các em nghèo, không đủ tiền mua mặt hàng tốt hơn. Và các ông thầy được tuyển dụng vào các ngôi trường Giáo dục chất lượng cao chưa chắc đã hoàn toàn là những ông thầy thực sự giỏi, mà lẫn lộn vào đó sẽ có nhưng thành phần bon chen, được chọn lựa vì khéo bảo vệ sinh mệnh chính trị, nói trắng ra là khéo lấy lòng cấp trên. Từ đó gây ra tình trạng phân hóa giữa học sinh, mà lương tâm lẽ ra phải trong sáng, hồn nhiên, không mặc cảm cả tự tôn (nhà giàu) lẫn tự ty (nhà nghèo), và phân hóa giữa đội ngũ các ông thầy, mà lẽ ra phải lấy việc bon chen, kèn cựa, không thực hiện đầy đủ chức năng của ông thầy làm một điều đáng xấu hổ. Đây chính là vết nhơ đối với danh dự và nhân cách của ông thầy, một khi Giáo dục được phân cấp theo tiêu chuẩn đồng tiền.
Ở thế hệ chúng tôi, và cả các thế hệ đàn em, tình nghĩa thầy trò, dù bao nhiêu năm xa cách, vẫn không hề giảm sút. Vậy mà những năm gần đây, thứ tình cảm thiêng liêng ấy hầu như mỗi ngày một phai lạt. Nguyên nhân có lẽ phát xuất từ cảm giác học sinh đã bị một bộ phận nào đó trong ngành giáo dục lợi dụng để làm giàu. Cùng với đà phát triển theo chiều hướng thương mại hóa, theo tôi, nếu đạo đức học đường không sa sút mới là chuyện lạ, và tệ nạn trong giới trẻ, nếu không mỗi lúc một tràn lan, thì lại càng là điều đáng lạ hơn.
* Phần dịch nghĩa lấy của Trần Trọng Kim trong Nho giáo, quyển Thượng

6.6.2007

Thơ Đình Bảng, cảm nhận của một người bạn



Vũ Lưu Xuân


Tôi quen Đình Bảng hơn bốn mươi năm về trước, thời sinh viên, lứa tuổi còn trọn vẹn hồn nhiên và thường ngây thơ coi trời bằng vung. Rồi từng đứa đều lãnh nhận đôi ba bài học của đời, của người, và ra đi, tản mác, đối mặt với những định mệnh chẳng ai giống ai, riêng phần cay đắng thì có lẽ tất cả đều có dịp trải nghiệm, trải nghiệm để già đi và chín hơn. Ngày ấy Đình Bảng thế nào nhỉ? Sôi nổi, cái hào khí tuổi sinh viên, khi biểu lộ thái độ của mình trước các vấn đề chính trị, giáo dục, và cũng mơ mộng để… làm thơ. 1967, anh tặng tôi đứa con đầu lòng: “Bước chân người Giao Chỉ”. Hơn ba mươi năm sau gặp lại, cả hai mái đầu đều đã phơ phất bạc, ngồi bên quán cóc vỉa hè, nhìn người, nhìn mình, nhìn lại những kỷ niệm, nhìn lại những khúc quanh đã làm cho cuộc đời thêm phức tạp và bớt đơn điệu. Riêng Đình Bảng, lúc này anh thế nào nhỉ? Trầm hơn, nhưng vẫn tiếp tục cuộc hành trình hầu như không có điểm dừng: làm thơ. Và mới đây, anh tặng tôi đứa con tinh thần khác, “Hành Hương”, kèm với lời dặn: “Đọc đi rồi viết vài dòng suy nghĩ về tập thơ của mình”. Thật khó cho tôi, thú thực, tôi là tay viết không chuyên, thích thơ mà không biết làm, đúng ra cả đời cũng làm được ba bốn bài, làm rồi lẳng lặng cất đi, gặp lúc chếnh choáng, lấy ra đọc cho ông bạn hiểu nhau mà ít gặp, hai đứa cúi đầu, nhăn mặt, rồi ngông nghênh cười. Như vậy, phân tích thơ Đình Bảng dưới góc nhìn của nhà phê bình, tôi tuyệt nhiên không đủ khả năng, chỉ xin cố gắng ghi lại cảm nhận của một người bạn. Cảm nhận đã hàm nghĩa chủ quan. Cảm nhận của một người bạn lại càng chủ quan hơn. Chủ quan và chủ quan, e rằng rất khó được chia sẻ, xin đành. Nhưng mỗi ý kiến gửi đi có thể là một phát hiện, một sự làm giàu, chỉ mong vậy. Cần thêm, vì là cảm nhận, nên đoạn ngắn này hạn chế việc trích dẫn, cũng không chú tâm phân tích từng câu, từng bài.


Và xin đi gặp Đình Bảng. Ở anh, có một điều khiến tôi chú ý: từ khởi điểm đời thơ, Bước chân vốn dĩ đã là một chuyển động liên tục trên đường, thường để hướng tới cái đích nào đó. Bốn mươi năm sau, tiếp Bước chân là cuộc Hành hương. BướcHành, phải chăng có thể nói đời và thơ Đình Bảng hầu như đã mắc vào cái nghiệp, nghiệp lang thang đi tìm. Anh tìm gì và tìm được gì? Câu trả lời, xin góp một phần nhỏ, một cảm nhận, vì chẳng ai thực sự thấu hiểu trọn vẹn mọi chiều kích của tha nhân.


Bước chân người Giao Chỉ” bốn mươi năm trước, tôi đã đọc và tôi đã quên, không thể nhớ nổi một câu, một cái tựa bài, tệ thật. Nhưng từ đâu đó, tôi vẫn giữ mãi một ấn tượng về nguồn thơ, về chất thơ. Về nguồn thơ, cảm hứng trong “Bước chân người Giao Chỉ”, Đình Bảng tìm được ở cội nguồn dân tộc, từ thời kỳ lập quốc hồng hoang, rồi nhọc nhằn dựng nước, giữ nước. Cảm nhận đầu tiên của tôi là ngay từ ngày ấy, còn trẻ, Đình Bảng đã tìm được một lối đi riêng. Giữa lúc đa phần sinh viên, đặc biệt là giới sinh viên, thích khoác cho mình chiếc áo Hiện sinh, đôi khi quá khổ, để ngông nghênh, làm dáng trí thức với đời, riêng anh không chú ý tới việc đua đòi, phù phiếm, mà đắm mình trong cội nguồn dân tộc, thứ thực tại mênh mông và sâu thẳm, rất gần mà lại rất xa, gần về máu thịt, mà xa về khoảng cách thời gian. Với tôi, đó là điều lạ thứ nhất. Điều lạ thứ hai: chất thơ. Cho dù vẫn có những thi ảnh lạ, những ngôn từ mới, nhưng Đình Bảng hầu như không gắng gượng trong phá cách về mặt ngôn ngữ, nhịp điệu, như chúng ta thường thấy trong khuôn khổ thơ tự do, thơ xuôi thời thượng, khởi sự từ thập niên 60, thế kỷ XX. Anh hài lòng với thể loại thuần tuý Việt Nam: lục bát. Thể thơ dễ làm nhưng khó hay, khó hay vì nhịp điệu tương đối đều đều, chầm chậm. Nắm được cái hồn lục bát qủa không chút dễ dàng. Vậy mà, theo bạn bè, lục bát chính là những vần thơ đạt nhất của anh, nó chiếm phần áp đảo so với thể loại 5 chữ, 7 chữ và 8 chữ. Dòng lục bát vốn dĩ thật mềm và thật hiền, nên thơ Đình Bảng, ngay từ hồi rất trẻ, chẳng bao giờ dữ dội, phá phách. Trong thơ anh, tôi không tìm thấy những dằn vặt nghiệt ngã của đời. Và từ đó, tôi đã chớm cảm nhận ở anh một phong cách Đình Bảng, không thể lẫn lộn với ai. Bạn thích thơ Đình Bảng hay không, tuỳ ý, nhưng tạo được phong cách riêng đã là thành tựu.


"Hành Hương" là tập thơ tôi đang có trong tay, trang nhã, với 57 bài, một số đã phổ nhạc. Vẫn là cuộc viễn du, tuy nhiên lần này, ở một khúc quanh khác, anh tìm tới vùng trời huyền nhiệm của Tôn giáo, Tôn giáo của anh, Công giáo, nhưng là thứ Công giáo pha lẫn mùi Thiền, một hình thái hội nhập tâm linh, để chất Tây phương thiên về cơ cấu, có thể hoà quyện với hương vị Đông pương mê hoặc. Từ cội nguồn dân tộc trong Bước chân người Giao Chỉ, tới nguồng mạch Tôn giáo trong "Hành Hương", tôi cảm nhận, rõ ràng Đình Bảng không hài lòng với những gì hời hợt, những tình tự phù phiếm, nhất thời, mà nỗ lực tìm cho thơ một chiều sâu, dù rằng nhọc nhằn. Ở chiều sâu luôn có khoảng tối, tĩnh lặng, lạc lõng, cô đơn, nhưng chính vì thế chúng ta có đủ điều kiện để thấy rõ hơn chính mình, giữa người và giữa trời. Phải chăng, trước sau, Đình Bảng vẫn là một kẻ cô đơn trên chặng đường dài. Này Đình Bảng, vậy anh là người tỉnh trong cõi điên, hay người điên trong cõi tỉnh, tôi không biết và có lẽ anh cũng không biết, cần gì. Lại nghĩ: Nếu "Bước chân người Giao Chỉ" là sử thi, thì "Hành Hương" là đạo ca. Như vậy với tuổi đời, với mái tóc điểm bạc, với cõi lòng đã già hơn và tĩnh hơn, đã xa hơn với đất, đã gần hơn với trời, cùng đích của truy tìm, hình như đã được nâng cao thêm một cung bậc, có thể nói thế được không?


Lại nói về "Hành Hương". Tôi thực sự kinh ngạc trước những cảm xúc Tôn giáo ngây ngất, dạt dào chảy, mà tôi thấy không hề giả dối, màu mè. Tôi vốn lười đọc, nên mới gặp những rung động tới tận chiều kích tâm linh như thế ở ba người: Nữ Thánh Têrêxa, Hàn Mặc Tử và Đình Bảng. Cảm xúc không tồn tại trong những khối óc ưa toan tính, mà xuất phát tự đáy sâu tâm hồn càng lúc càng mềm ra, mềm ra vì nhận biết mình nhỏ nhoi, hèn mọn trước cõi vô cùng, trước tình yêu vô cùng của Đấng Tạo dựng, với anh là Thiên Chúa. Bên cạnh tuyệt đối thể, Đình Bảng như đang muốn được tan chảy, tan chảy để hoà chung thành một dòng. Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi, ngay lúc mới bước chân vào thế giới "Hành Hương". Đối với những người lòng khô, dạ cứng, xa lạ với cảm xúc Tôn giáo như tôi, cảm nhận tiếp theo: "Hành Hương" qủa là một chùm thơ khó đọc, khó chia sẻ về mặt tâm tình. Cái tôi tìm được ở "Hành Hương" là giá trị thẩm mỹ, là vẻ đẹp của lời thơ, ý thơ, của dòng lục bát vẫn là chủ đạo.


Có người bảo thơ Đình Bảng tối, như một kiểu ẩn dụ cố tình. Đồng ý thơ Đình Bảng đôi chỗ khó hiểu, nhưng theo tôi, lý do là, cho dù Đình Bảng có một vốn từ đẹp và giàu, nhưng ngôn ngữ, phương tiện chuyển tải hữu hạn, làm sao bắt kịp nhịp cảm xúc hầu như vô hạn, dồn dập, không lớp lang, vì thế, thơ Đình Bảng tối vì quá cô đọng. Anh giống như đang hấp tấp đuổi theo tình mà sót lời, đúng hơn là vượt qua lời, cái khung cần thiết của tư duy, nhưng không đủ cho thi ca, với thi ca, chung cuộc vẫn là ý ở ngoài lời. Đó cũng là một yếu tố khiến phong cách Đình Bảng hiện ra rõ hơn trong chặng đường thứ hai. Cạnh đó, nếu chỉ loay hoay về mặt ngữ nghĩa, tức cố tình chẻ sợi tóc làm tư, thì không những Đình Bảng, mà còn nhiều nhà thơ khác, Hàn Mặc Tử chẳng hạn, sẽ chết tươi dưới lưỡi dao đồ tể thô bạo. Đố ai hiểu được hai câu thơ của Hàn Mặt Tử:


Và ai gánh máu đi trên tuyết
Mảnh áo da cừu ngắm nở nang
.


Cũng đố ai hiểu được câu thơ Đình Bảng theo kiểu luận lý hình thức:


Ai đang đến, vội vàng chi, thảng thốt
Chờ đêm thiêng, ẩn dưới bóng tình quân.


Ở anh, cái chúng ta cảm nhận được chính là ấn tượng (thơ Đình Bảng thiên về trường phái Ấn tượng? Tôi chưa dám võ đoán) của lời thơ, của thi ảnh, nhiều thi ảnh vụt hiện đột ngột và mới lạ, không gò bó, ràng buộc trong khuôn khổ ngữ nghĩa. Theo tôi, đó mới thực sự là ngôn ngữ thơ, thứ ngôn ngữ không bao giờ chịu trói, không trần trụi, đơn giản.
Cũng chính vì quan niệm như thế, nên bản thân tôi, vốn duy lý, chẳng dám mon men tới thế giới lung linh, phiêu bồng của thơ. Với thơ, trước sau tôi vẫn là kẻ ngoại đạo. Vậy mà, hôm nay kẻ ngoại đạo đã liều góp với anh vài lời, xin thứ lỗi cho.


Monday, October 29, 2007

Bao cấp tư tưởng trong giảng dạy văn học


Vũ Lưu Xuân

Tôi chính thức nghỉ dạy văn từ năm 1981. Bỏ nghề mà vẫn nhớ. 26 năm sau, lại có cơ hội quay về môi trường cũ, lớp học, với tư cách khiêm tốn: quản nhiệm, nôm na là coi cho học sinh nội trú học
bài vào buổi tối tại một trường tư. Cơ hội này giúp tôi có dịp tận mắt chứng kiến cách học và dạy môn văn ở trường phổ thông, đặc biệt là lớp 12, cuối cấp. Từ cái nhìn sơ bộ, tôi có cảm nhận đầu
tiên (chưa thành khẳng định): cách dạy và học văn của chúng ta mỗi lúc một tồi đi. Cảm nhận có thể sai, vì tôi mới có dịp làm quen với một trường hợp duy nhất, chưa thể khái quát hoá.

Viết bài này, dù trưng dẫn một lớp học cụ thể, nhưng tôi tuyệt đối không phê phán bất cứ giáo viên nào, tôi cũng không chê trách các em học sinh. Tất cả đều là nạn nhân của một cung cách giáo dục vụ hình thức, chuộng hư danh, thành tích, mà lại bế tắc, không tìm ra biện pháp khả thi, cụ thể là giúp học sinh thi đậu, từ đó sẵn sàng hy sinh, mà không quan tâm tới cái giá phải trả. Điều đáng buồn, tất cả chúng ta, cả thầy lẫn trò, dù thật sự khổ tâm, mà vẫn phải loay hoay, vật lộn trong một tình thế chẳng đặng đừng.

1. Tư duy văn học

Từ khi tri thức của con người thêm phong phú, đa dạng và chuyên sâu, phương pháp luận đối với từng bộ môn trở nên cần thiết, nó giúp việc nghiên cứu thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn. Ở đây xin lược xét vấn đề phương pháp tư duy trong văn học và giảng dạy văn học.
Trước hết, có một ranh giới thường mập mờ và ít được quan tâm, tách bạch. Ranh giới giữa văn chương và văn học. Xin lưu ý điểm khác biệt: Văn chương là một bộ môn nghệ thuật, còn văn học là một bộ môn khoa học. Ở nhà trường, cụ thể là cấp ba, chúng ta không dạy sáng tác văn chương, mà bước đầu dạy nghiên cứu văn học.
Sáng tác văn chương là hoạt động nghệ thuật. Tác phẩm văn chương, lấy chất liệu từ thực tế cuộc sống, sử dụng tư duy hình tượng, thi ảnh, thông qua cái khung ngôn ngữ, nói chung, nhằm sáng tạo ra cái đẹp, cả về mặt hình thức nghệ thuật, lẫn nội dung tư tưởng.

Văn học lấy các tác phẩm văn chương, các tác giả, làm đối tượng nghiên cứu, hoặc đi từ tác phẩm, tác giả, rồi khái quát hóa, để phát biểu cái nhìn xuyên suốt về một khuynh hướng, một chặng đường, hoặc rộng hơn, nghiên cứu toàn bộ quá trình diễn biến của tất cả các trào lưu sáng tác, kinh qua chiều dài thời gian, chúng ta đang nói tới văn học sử.

Vì là bộ môn khoa học, tư duy văn học cho dù trừu tượng, trước hết, vẫn phải tôn trọng tính minh bạch, hợp luận lý. Tư duy đó đòi hỏi cái nhìn phân tích, để phát hiện ra tính đặc thù trong mỗi tác phẩm, mỗi tác giả. Tư duy đó đòi hỏi cái nhìn lượng giá, để tìm ra giá trị đích thực, không chịu lệ thuộc vào kiểu nhìn truyền thống, hoặc a dua theo thói thời thượng. Tư duy đó đòi hỏi cái nhìn đối chiếu, để so sánh, định vị một tác giả, tác phẩm trong một trào lưu, một khuynh hướng văn chương. Tư duy đó đòi hỏi cái nhìn tổng hợp để quán xuyến được một dòng chảy, một thời đại… Nói chung, tư duy văn học luôn dành một khoảng trống cho phát hiện, sáng tạo, cho những góc nhìn chưa được xác lập, do đó có khả năng phong phú hoá đời sống tinh thần.

2. Tư duy văn học trong trường phổ thông.

a. Tính chất và lợi ích

Nguyên tắc đầu tiên cần khẳng định: dạy văn tức là dạy cách làm người, vì:

-Trong nhà trường, một mặt, tư duy văn học làm giàu khả năng phán đoán, suy luận.

-Mặt khác, xuyên qua các tác phẩm đã được chọn lọc, tư duy văn học, nếu phát triển một cách đúng đắn, và có phương pháp, sẽ gián tiếp hình thành những giá trị nhân bản, đạo đức, đẹp và cần, thấm vào lòng học sinh. Chúng ta rất khó giảng dạy luân lý, đạo đức bằng những khẩu hiệu thường được bôi trơn, bằng những bài học nhàm chán và khô cứng, bằng những lời khuyên sáo rỗng, dựa trên những giá trị đôi khi cũng đã khô cứng, lỗi thời, đã bị ăn mòn, chỉ còn trơ lại cái vỏ bọc.

-Cạnh đó, tư duy văn học giúp học sinh tự thân phát hiện ra giá trị thẩm mỹ tiềm ẩn trong nghệ thuật, từ đó gợi hứng thú viết lách, tạo ra cái đẹp, hứng thú đi tìm những góc nhìn mới, và hứng thú tự khẳng định mình: tôi không thể, và cũng không chịu là phiên bản của bất cứ ai, cho dù đó là những thầy cô thực sự có tài.

b. Từ một trường hợp cụ thể

Trở lại lớp học cụ thể tôi đã có dịp chứng kiến. Để đối phó với kỳ thi tốt nghiệp, bên cạnh sách giáo khoa được mặc nhiên công nhận là pháp lệnh, mỗi học sinh còn có thêm một tập luận mẫu quay rônêo, do chính giáo viên soạn. Việc học văn chủ yếu gồm: học thuộc lòng các văn bản để trích dẫn, và trả lời câu hỏi, soạn trước các bài giảng, nhưng công việc quan trọng có tính quyết định thành bại trong kỳ thi môn văn: làm tự luận. Phần tự luận được thực hiện ngoài giờ chính khoá như sau: chép lại, có thể nguyên văn, hoặc thay đổi chút ít cách diễn tả trong sách mẫu. Theo giáo viên, việc chép (đúng ra là học thuộc) giúp học sinh quen với các ý cần có đối với từng đề. Làm bài, học sinh có thể thêm ý mới (?), nhưng không được bớt các ý soạn sẵn, coi như chuẩn mực. Cách học này đạt độ an toàn trong thi cử. Điều đáng quan tâm, tuy đây là một trường hợp cụ thể, nhưng chắc chắn không phải cá biệt, sẽ có hàng ngàn giáo viên khác cũng sử dụng biện pháp an toàn này, cho dù có khác chăng nữa, thì mọi con đường đều dẫn tới Rôma, tức là bằng cách nào đó bắt học sinh nắm thật vững và dàn ý thật đúng với các phần của bài mẫu.

c. Nghĩ về bao cấp tư tưởng trong nhà trường :

-Bao cấp tư tưởng nói chung. Đã xa rồi thời kỳ mà nhìn đâu cũng thấy toàn kẻ thù, bởi thế cần phải bao cấp tư tưởng. Chủ trương đó đã dẫn tới việc phủ nhận trắng mọi sự hiện diện phi truyền thống, cũng như mọi giá trị phi truyền thống, Tự Lực văn đoàn chẳng hạn. Tôi còn nhớ trong lớp bồi dưỡng sư phạm dành cho giáo viên miền Nam lưu dụng, một giảng viên đã đọc hai câu thơ của Hàn Mặc Tử:

Trăng nằm xóng xoải trên cành liễu
Đợi gió động về để lả lơi.

Đọc xong, ông dừng lại, nhìn suốt lượt học viên, và sau đó, sự dốt nát đã hiện rõ trên nụ cười ngạo mạn.

-Và bao cấp tư tưởng trong nhà trường.

Bao cấp tư tưởng trong nhà trường xin hiểu nôm na là: sách vỡ, thầy cô cấp phát tư tưởng trọn gói cho học sinh, học sinh chỉ việc thụ động lãnh nhận để trang bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Nói khác đi: sách vở, thầy cô đã suy nghĩ hộ các em, nhiệm vụ của các em đơn giản là: nuốt vào rồi lại nhả ra trọn vẹn, không cần tiêu hoá, để làm thành một thứ dưỡng chất mới, thấm vào máu thịt.

Vì sao phải bao cấp tư tưởng?

Bao cấp tư tưởng trong nhà trường thực ra nhằm mục đích an toàn trong thi cử là chính.
Xin nhắc lại lời một giám khảo môn văn kỳ thi tuyển sinh đại học: “việc chấm văn bây giờ rất chặt chẽ và khoa học, với thang điểm chi ly, chỉ cần đầy đủ các ý là sẽ được điểm cao”. Cách chấm thi như vậy, tất yếu đặt người dạy vào tư thế chẳng đặng đừng: nhồi nhét cho học sinh các bài mẫu, với đầy đủ các ý nằm trong quy hoạch. Như thế, bài mẫu trong bất cứ sách nào, của bất cứ thầy cô nào e rằng cũng được đúc ra từ cùng một khuôn. Nhưng thế nào là đầy đủ các ý? Trong tư duy văn học, ai là người cuối cùng có khả năng và thẩm quyền để khẳng định: bài này có 11 ý, bài kia có 9 ý, bài nọ có 12 ý. Nên nhớ, đối với các thực tại mang tính nhân văn, từ góc độ nhất định, chúng ta chỉ có thể phát biểu một cái nhìn phiến diện. E rằng chỉ họ hàng nhà ếch mới dám vỗ ngực đã thấy hết bầu trời.

Tôi có cảm tưởng chúng ta đang đổ bột vào một loạt khuôn để trước mặt, dập một cái, xuất xưởng ra một “mẻ” cô tú, cậu tú, rồi lại dập cái nữa, xuất xưởng một “mẻ” cô cử cậu cử. Nói vậy có vẻ xúc phạm các em. Thật ra không thể phủ nhận, trong số sinh viên, học sinh tôi từng tiếp xúc, vẫn thấy không ít em thực sự trưởng thành, với lối suy nghĩ có chiều sâu, với cách sống vẫn luôn tôn trọng những nề nếp, giá trị cố hữu, nhưng theo tôi, đạt được điều đó, chính là nhờ không khí gia đình và sự vận động tự thân, chứ hoàn toàn không hưởng lợi được gì (mà lẽ ra các em có quyền được hưởng) qua cung cách dậy văn kiểu này.

d. Và cái giá phải trả:

Mục đích giúp học sinh thi đậu là hoàn toàn đúng đắn, nhưng phương pháp thực hiện lại sai, vì sai nên có cái giá phải trả:

Hậu quả đối với bản thân học sinh:

-Học sinh chưa bao giờ thực sự là chính mình, mà chỉ là cái bóng của sách vở, của thầy cô, và nếu nếp sống tinh thần này kéo dài, các em sẽ là đứa trẻ chung thân vị thành niên. Tình trạng bao cấp tư tưởng trong học đường, phản ánh một nỗi lo nào đó, nhiều khi vu vơ, chỉ có hại, hoặc ít ra lợi bất cập hại.

-Trong kỳ thi tốt nghiệp, chúng ta không ít lần phải cười ra nước mắt khi bắt gặp những quái thai. Sở dĩ có tình trạng này vì thí sinh lười không học bài mẫu, hoặc học mà lệch tủ. Một khi không có thầy cô bên cạnh để nghĩ hộ, quái thai chắc chắn sẽ xuất hiện. Chúng ta sai vì chưa bao giờ giúp học sinh tự thân trưởng thành về mặt tư duy. Chúng ta sai vì cách giảng dạy gượng ép, sáo mòn. Chúng ta sai vì chưa giúp các em phát hiện ra vẻ đẹp thật sự có trong tác phẩm, chứ không ép tác phẩm phải hay, phải đẹp vì đã được kiểm dịch và dán mác. Nhìn chung lối giảng dạy ấy tạo ra bầu không khí nhàm chán, khiến các em thờ ơ trong học tập. Chúng ta có quá nhiều khẩu hiệu, và có hẳn một nền văn chương khẩu hiệu ngoài xã hội cũng như trong nhà trường, thứ văn chương nhạt nhẽo, vô tích sự, chắc chắn không thể đánh động lòng người.

Hậu quả đối với xã hội:

Dù muốn, dù không cũng phải nhìn nhận: con người trước hết là một động vật, nó tất yếu có bản năng của một động vật, nhưng tư duy biện biệt, có thể phát triển trong môi trường giáo dục, là một khả năng đặc hữu, chỉ con người mới có, nhờ đó chúng ta không chỉ sống theo bản năng, mà còn làm chủ bản năng, khống chế được những hành vi phi nhân bản. Một khi bao cấp tư tưởng trong giảng dạy văn học làm thui chột lý trí, làm thui chột khả năng phán đoán, suy luận, khiến cho cái đúng, cái đẹp vắng mặt trong đời sống tinh thần, thì chúng ta đang vô tình đưa con người trở về mức độ sinh vật hạng hai, và như thế, tất yếu bản năng cầm thú sẽ nổi dậy. Hiện tượng học sinh đâm chém nhau, học sinh trở thành kẻ cướp, hiện tượng tuổi teen không định hướng, sống buông thả, sa đọa, chỉ nghĩ tới việc thỏa mãn những đòi hỏi vật chất, giới tính, đã trở thành mối lo chung. Tôi có bi quan và phóng đại quá không?

Viết bài này, tôi mong đón nhận phản biện của người trong cuộc, tức các đồng nghiệp, để thấy rằng mình đã phiến diện, đã hiểu sai, và như thế vẫn còn hy vọng.