Monday, October 29, 2007

Bao cấp tư tưởng trong giảng dạy văn học


Vũ Lưu Xuân

Tôi chính thức nghỉ dạy văn từ năm 1981. Bỏ nghề mà vẫn nhớ. 26 năm sau, lại có cơ hội quay về môi trường cũ, lớp học, với tư cách khiêm tốn: quản nhiệm, nôm na là coi cho học sinh nội trú học
bài vào buổi tối tại một trường tư. Cơ hội này giúp tôi có dịp tận mắt chứng kiến cách học và dạy môn văn ở trường phổ thông, đặc biệt là lớp 12, cuối cấp. Từ cái nhìn sơ bộ, tôi có cảm nhận đầu
tiên (chưa thành khẳng định): cách dạy và học văn của chúng ta mỗi lúc một tồi đi. Cảm nhận có thể sai, vì tôi mới có dịp làm quen với một trường hợp duy nhất, chưa thể khái quát hoá.

Viết bài này, dù trưng dẫn một lớp học cụ thể, nhưng tôi tuyệt đối không phê phán bất cứ giáo viên nào, tôi cũng không chê trách các em học sinh. Tất cả đều là nạn nhân của một cung cách giáo dục vụ hình thức, chuộng hư danh, thành tích, mà lại bế tắc, không tìm ra biện pháp khả thi, cụ thể là giúp học sinh thi đậu, từ đó sẵn sàng hy sinh, mà không quan tâm tới cái giá phải trả. Điều đáng buồn, tất cả chúng ta, cả thầy lẫn trò, dù thật sự khổ tâm, mà vẫn phải loay hoay, vật lộn trong một tình thế chẳng đặng đừng.

1. Tư duy văn học

Từ khi tri thức của con người thêm phong phú, đa dạng và chuyên sâu, phương pháp luận đối với từng bộ môn trở nên cần thiết, nó giúp việc nghiên cứu thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn. Ở đây xin lược xét vấn đề phương pháp tư duy trong văn học và giảng dạy văn học.
Trước hết, có một ranh giới thường mập mờ và ít được quan tâm, tách bạch. Ranh giới giữa văn chương và văn học. Xin lưu ý điểm khác biệt: Văn chương là một bộ môn nghệ thuật, còn văn học là một bộ môn khoa học. Ở nhà trường, cụ thể là cấp ba, chúng ta không dạy sáng tác văn chương, mà bước đầu dạy nghiên cứu văn học.
Sáng tác văn chương là hoạt động nghệ thuật. Tác phẩm văn chương, lấy chất liệu từ thực tế cuộc sống, sử dụng tư duy hình tượng, thi ảnh, thông qua cái khung ngôn ngữ, nói chung, nhằm sáng tạo ra cái đẹp, cả về mặt hình thức nghệ thuật, lẫn nội dung tư tưởng.

Văn học lấy các tác phẩm văn chương, các tác giả, làm đối tượng nghiên cứu, hoặc đi từ tác phẩm, tác giả, rồi khái quát hóa, để phát biểu cái nhìn xuyên suốt về một khuynh hướng, một chặng đường, hoặc rộng hơn, nghiên cứu toàn bộ quá trình diễn biến của tất cả các trào lưu sáng tác, kinh qua chiều dài thời gian, chúng ta đang nói tới văn học sử.

Vì là bộ môn khoa học, tư duy văn học cho dù trừu tượng, trước hết, vẫn phải tôn trọng tính minh bạch, hợp luận lý. Tư duy đó đòi hỏi cái nhìn phân tích, để phát hiện ra tính đặc thù trong mỗi tác phẩm, mỗi tác giả. Tư duy đó đòi hỏi cái nhìn lượng giá, để tìm ra giá trị đích thực, không chịu lệ thuộc vào kiểu nhìn truyền thống, hoặc a dua theo thói thời thượng. Tư duy đó đòi hỏi cái nhìn đối chiếu, để so sánh, định vị một tác giả, tác phẩm trong một trào lưu, một khuynh hướng văn chương. Tư duy đó đòi hỏi cái nhìn tổng hợp để quán xuyến được một dòng chảy, một thời đại… Nói chung, tư duy văn học luôn dành một khoảng trống cho phát hiện, sáng tạo, cho những góc nhìn chưa được xác lập, do đó có khả năng phong phú hoá đời sống tinh thần.

2. Tư duy văn học trong trường phổ thông.

a. Tính chất và lợi ích

Nguyên tắc đầu tiên cần khẳng định: dạy văn tức là dạy cách làm người, vì:

-Trong nhà trường, một mặt, tư duy văn học làm giàu khả năng phán đoán, suy luận.

-Mặt khác, xuyên qua các tác phẩm đã được chọn lọc, tư duy văn học, nếu phát triển một cách đúng đắn, và có phương pháp, sẽ gián tiếp hình thành những giá trị nhân bản, đạo đức, đẹp và cần, thấm vào lòng học sinh. Chúng ta rất khó giảng dạy luân lý, đạo đức bằng những khẩu hiệu thường được bôi trơn, bằng những bài học nhàm chán và khô cứng, bằng những lời khuyên sáo rỗng, dựa trên những giá trị đôi khi cũng đã khô cứng, lỗi thời, đã bị ăn mòn, chỉ còn trơ lại cái vỏ bọc.

-Cạnh đó, tư duy văn học giúp học sinh tự thân phát hiện ra giá trị thẩm mỹ tiềm ẩn trong nghệ thuật, từ đó gợi hứng thú viết lách, tạo ra cái đẹp, hứng thú đi tìm những góc nhìn mới, và hứng thú tự khẳng định mình: tôi không thể, và cũng không chịu là phiên bản của bất cứ ai, cho dù đó là những thầy cô thực sự có tài.

b. Từ một trường hợp cụ thể

Trở lại lớp học cụ thể tôi đã có dịp chứng kiến. Để đối phó với kỳ thi tốt nghiệp, bên cạnh sách giáo khoa được mặc nhiên công nhận là pháp lệnh, mỗi học sinh còn có thêm một tập luận mẫu quay rônêo, do chính giáo viên soạn. Việc học văn chủ yếu gồm: học thuộc lòng các văn bản để trích dẫn, và trả lời câu hỏi, soạn trước các bài giảng, nhưng công việc quan trọng có tính quyết định thành bại trong kỳ thi môn văn: làm tự luận. Phần tự luận được thực hiện ngoài giờ chính khoá như sau: chép lại, có thể nguyên văn, hoặc thay đổi chút ít cách diễn tả trong sách mẫu. Theo giáo viên, việc chép (đúng ra là học thuộc) giúp học sinh quen với các ý cần có đối với từng đề. Làm bài, học sinh có thể thêm ý mới (?), nhưng không được bớt các ý soạn sẵn, coi như chuẩn mực. Cách học này đạt độ an toàn trong thi cử. Điều đáng quan tâm, tuy đây là một trường hợp cụ thể, nhưng chắc chắn không phải cá biệt, sẽ có hàng ngàn giáo viên khác cũng sử dụng biện pháp an toàn này, cho dù có khác chăng nữa, thì mọi con đường đều dẫn tới Rôma, tức là bằng cách nào đó bắt học sinh nắm thật vững và dàn ý thật đúng với các phần của bài mẫu.

c. Nghĩ về bao cấp tư tưởng trong nhà trường :

-Bao cấp tư tưởng nói chung. Đã xa rồi thời kỳ mà nhìn đâu cũng thấy toàn kẻ thù, bởi thế cần phải bao cấp tư tưởng. Chủ trương đó đã dẫn tới việc phủ nhận trắng mọi sự hiện diện phi truyền thống, cũng như mọi giá trị phi truyền thống, Tự Lực văn đoàn chẳng hạn. Tôi còn nhớ trong lớp bồi dưỡng sư phạm dành cho giáo viên miền Nam lưu dụng, một giảng viên đã đọc hai câu thơ của Hàn Mặc Tử:

Trăng nằm xóng xoải trên cành liễu
Đợi gió động về để lả lơi.

Đọc xong, ông dừng lại, nhìn suốt lượt học viên, và sau đó, sự dốt nát đã hiện rõ trên nụ cười ngạo mạn.

-Và bao cấp tư tưởng trong nhà trường.

Bao cấp tư tưởng trong nhà trường xin hiểu nôm na là: sách vỡ, thầy cô cấp phát tư tưởng trọn gói cho học sinh, học sinh chỉ việc thụ động lãnh nhận để trang bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Nói khác đi: sách vở, thầy cô đã suy nghĩ hộ các em, nhiệm vụ của các em đơn giản là: nuốt vào rồi lại nhả ra trọn vẹn, không cần tiêu hoá, để làm thành một thứ dưỡng chất mới, thấm vào máu thịt.

Vì sao phải bao cấp tư tưởng?

Bao cấp tư tưởng trong nhà trường thực ra nhằm mục đích an toàn trong thi cử là chính.
Xin nhắc lại lời một giám khảo môn văn kỳ thi tuyển sinh đại học: “việc chấm văn bây giờ rất chặt chẽ và khoa học, với thang điểm chi ly, chỉ cần đầy đủ các ý là sẽ được điểm cao”. Cách chấm thi như vậy, tất yếu đặt người dạy vào tư thế chẳng đặng đừng: nhồi nhét cho học sinh các bài mẫu, với đầy đủ các ý nằm trong quy hoạch. Như thế, bài mẫu trong bất cứ sách nào, của bất cứ thầy cô nào e rằng cũng được đúc ra từ cùng một khuôn. Nhưng thế nào là đầy đủ các ý? Trong tư duy văn học, ai là người cuối cùng có khả năng và thẩm quyền để khẳng định: bài này có 11 ý, bài kia có 9 ý, bài nọ có 12 ý. Nên nhớ, đối với các thực tại mang tính nhân văn, từ góc độ nhất định, chúng ta chỉ có thể phát biểu một cái nhìn phiến diện. E rằng chỉ họ hàng nhà ếch mới dám vỗ ngực đã thấy hết bầu trời.

Tôi có cảm tưởng chúng ta đang đổ bột vào một loạt khuôn để trước mặt, dập một cái, xuất xưởng ra một “mẻ” cô tú, cậu tú, rồi lại dập cái nữa, xuất xưởng một “mẻ” cô cử cậu cử. Nói vậy có vẻ xúc phạm các em. Thật ra không thể phủ nhận, trong số sinh viên, học sinh tôi từng tiếp xúc, vẫn thấy không ít em thực sự trưởng thành, với lối suy nghĩ có chiều sâu, với cách sống vẫn luôn tôn trọng những nề nếp, giá trị cố hữu, nhưng theo tôi, đạt được điều đó, chính là nhờ không khí gia đình và sự vận động tự thân, chứ hoàn toàn không hưởng lợi được gì (mà lẽ ra các em có quyền được hưởng) qua cung cách dậy văn kiểu này.

d. Và cái giá phải trả:

Mục đích giúp học sinh thi đậu là hoàn toàn đúng đắn, nhưng phương pháp thực hiện lại sai, vì sai nên có cái giá phải trả:

Hậu quả đối với bản thân học sinh:

-Học sinh chưa bao giờ thực sự là chính mình, mà chỉ là cái bóng của sách vở, của thầy cô, và nếu nếp sống tinh thần này kéo dài, các em sẽ là đứa trẻ chung thân vị thành niên. Tình trạng bao cấp tư tưởng trong học đường, phản ánh một nỗi lo nào đó, nhiều khi vu vơ, chỉ có hại, hoặc ít ra lợi bất cập hại.

-Trong kỳ thi tốt nghiệp, chúng ta không ít lần phải cười ra nước mắt khi bắt gặp những quái thai. Sở dĩ có tình trạng này vì thí sinh lười không học bài mẫu, hoặc học mà lệch tủ. Một khi không có thầy cô bên cạnh để nghĩ hộ, quái thai chắc chắn sẽ xuất hiện. Chúng ta sai vì chưa bao giờ giúp học sinh tự thân trưởng thành về mặt tư duy. Chúng ta sai vì cách giảng dạy gượng ép, sáo mòn. Chúng ta sai vì chưa giúp các em phát hiện ra vẻ đẹp thật sự có trong tác phẩm, chứ không ép tác phẩm phải hay, phải đẹp vì đã được kiểm dịch và dán mác. Nhìn chung lối giảng dạy ấy tạo ra bầu không khí nhàm chán, khiến các em thờ ơ trong học tập. Chúng ta có quá nhiều khẩu hiệu, và có hẳn một nền văn chương khẩu hiệu ngoài xã hội cũng như trong nhà trường, thứ văn chương nhạt nhẽo, vô tích sự, chắc chắn không thể đánh động lòng người.

Hậu quả đối với xã hội:

Dù muốn, dù không cũng phải nhìn nhận: con người trước hết là một động vật, nó tất yếu có bản năng của một động vật, nhưng tư duy biện biệt, có thể phát triển trong môi trường giáo dục, là một khả năng đặc hữu, chỉ con người mới có, nhờ đó chúng ta không chỉ sống theo bản năng, mà còn làm chủ bản năng, khống chế được những hành vi phi nhân bản. Một khi bao cấp tư tưởng trong giảng dạy văn học làm thui chột lý trí, làm thui chột khả năng phán đoán, suy luận, khiến cho cái đúng, cái đẹp vắng mặt trong đời sống tinh thần, thì chúng ta đang vô tình đưa con người trở về mức độ sinh vật hạng hai, và như thế, tất yếu bản năng cầm thú sẽ nổi dậy. Hiện tượng học sinh đâm chém nhau, học sinh trở thành kẻ cướp, hiện tượng tuổi teen không định hướng, sống buông thả, sa đọa, chỉ nghĩ tới việc thỏa mãn những đòi hỏi vật chất, giới tính, đã trở thành mối lo chung. Tôi có bi quan và phóng đại quá không?

Viết bài này, tôi mong đón nhận phản biện của người trong cuộc, tức các đồng nghiệp, để thấy rằng mình đã phiến diện, đã hiểu sai, và như thế vẫn còn hy vọng.


No comments: