Friday, November 2, 2007

HỌC PHÍ, CƠ HỘI NÀO CHO CON EM NGHÈO

Vũ Lưu Xuân

Cách đây không lâu, chương trình VTV buổi tối có nhắc lại quyết tâm của TPHCM trong việc phổ cập bậc THCS. Cạnh đấy, theo Nghị quyết TƯ 2, khóa VIII của Đảng, đến năm 2010 (tức 3 năm nữa, thời gian không còn dài), phải hoàn thành phổ cập THCS trên cả nước theo chuẩn Quốc gia. Đây là một chủ trương hoàn toàn đứng đắn và cấp thiết, vì đối với các quốc gia nghèo, đang phát triển, đặc biệt trong thời đại này, mọi cuộc cách mạng kinh tế, xã hội muốn bền vững, đều phải khởi đầu bằng cách mạng Dân trí, thông qua phát triển giáo dục. Cách mạng Dân trí là điều bậc tiền bối Phan Chu Trinh đã từng tha thiết hô hào cách nay một thế kỷ. Tuy nhiên muốn phổ cập THCS, trước hết phải vượt qua rào cản có tính quyết định: học phí. Điều nghịch lý là, thay vì miễn giảm học phí, để mọi trẻ em có thể vượt qua hàng rào nhằm đạt tới mức thấp nhất của tri thức, tức cơ sở, thì chúng ta lại có khuynh hướng nâng hàng rào đó lên cao gấp 2-3 lần.

Về học phí, xin bắt đầu bằng một mẩu tin đau lòng đăng trên Tiền Phong online ngày 04.8.2007: “Cháu Nguyễn Thị Hải và Hồ Thị Viện đều sinh năm 1992, trú tại xóm 7 xứ đạo Xuân An, xã Quỳnh Xuân. Ngày 29/7/2007, 2 cháu vui mừng khi được tin cùng đậu vào lớp 10 công lập liền rủ lên lèn đội đá kiếm tiền học phí. Khoảng hơn 8 giờ sáng, một khối đá chiều ngang 1,5m dày 3m bất ngờ đổ ụp xuống đè chết 2 cháu”. Tự thân mẩu tin có thể thay cho mọi lời bình.

Xin xếp một cách đơn giản học phí vào hai hệ thống: học phí trường nhà nước (gồm trường công lập, công lập tự chủ tài chính, và cả các trường bán công chưa chuyển sang công lập) và học phí trường tư (gồm dân lập và tư thục).

I- Học phí trường công
Đối với trường nhà nước, khoảng cuối tháng 6, tất cả các báo đồng loạt loan tin: học phí sẽ tăng gấp 2-3 lần. Riêng Đại học, học phí cao gấp 5 lần mức hiện hành (900.000/ tháng). Trước sự kiện này, dư luận quần chúng không ngớt xôn xao, xin trích ít dòng trên báo điện tử Dân Trí ngày 27.6.2007: “Anh Lê Bá Hưng, nhân viên một công ty bảo vệ ở Q.1 cho hay: Hai vợ chồng vừa nhập KT3 xong, tính cho thằng con 4 tuổi vào một trường mẫu giáo công lập nào đó, nhưng nghe học phí tăng thế này thì chịu thôi. Đành cho nó về quê ở với ông bà nội để đi học chứ biết sao giờ… niềm vui sau một ngày làm việc mệt nhọc, về nhà chơi cùng con sẽ không còn. Nhưng…Đành vậy”.

Cũng Dân Trí, ngày 29.6.2007 có đoạn: “Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Chế độ học phí mới phải thực hiện được công bằng, bình đẳng về cơ hội học tập, chỉ điều chỉnh từng bước…”. Đây là ước mơ của mọi người, nhất là những người nghèo muốn đổi đời bằng con đường học vấn. Đây cũng chính là lý tưởng của CNXH. Tuy nhiên ông Nguyễn Thiện Nhân còn tiếp: "Học phí phải gắn với chất lượng giáo dục, những cơ sở giáo dục có chất lượng cao phải được phép thu học phí cao". Câu này hoàn toàn chính xác về mặt luận lý, nhưng hình như lại mâu thuẫn với lý tưởng công bằng, bình đẳng về cơ hội học tập. Sở dĩ có nghịch lý trên, vì cách hiểu hai chữ Công lập của chúng ta hoàn toàn chẳng giống ai.

Lược qua một số định nghĩa:

Tự điển Việt Nam- Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ: Trường Công: trường học do Nhà nước lập ra, dạy không ăn tiền.
Từ điển tiếng Việt- Viện ngôn ngữ học: Trường Công lập= Quốc lập: do Nhà nước lập ra và đài thọ các khoản chi phí.

Từ điển Webster’s: Từ Public school được gắn liền với hai chữ: usually free (thường thì miễn phí).

Trong khi đó, các hình thức công lập của chúng ta, từ cấp hai trở lên đều phải đóng phí, và phí cao.
Để biện minh cho chủ trương học sinh trường Công phải đóng học phí, Nhà nước đưa ra lý do: Ngoài phần hổ trợ của Nhà nước theo khả năng ngân sách, học phí cần bảo đảm trang trải chi phí cần thiết cho giảng dậy, học tập và có tích lũy để đầu tư phát triển nhà trường, đủ bù đắp chi phí thường xuyên, và vì: với mức thu hiện nay, các trường cho rằng không đủ để họ tồn tại và phát triển (người viết tự tô đậm). Mấy chữ: bảo đảm trang trải, tích luỹđủ bù đắp cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về gánh nặng đè trên vai phụ huynh và con em. Cạnh đó, không hề thấy, dù chỉ thấp thoáng, bóng dáng phần hổ trợ của Nhà nước theo khả năng ngân sách. Cần nhớ, ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục năm 2001 là 15.609 tỷ đồng và đến năm 2007 tăng lên tới hơn 66000 tỷ đồng (tăng hơn 4 lần), cộng với đóng góp tương đương của xã hội, chúng ta có một qũy giáo dục cao ngất ngường, có lẽ trên dưới 120.000 tỷ đồng, vào hàng cao nhất trong khu vực. Vậy tại sao vẫn phải tăng học phí. Câu trả lời, xin đi hỏi Gs Nguyễn Xuân Hãn, bậc thầy mà tôi không có cơ may được thụ nghiệp, nhưng vẫn luôn luôn kính trọng tâm huyết của ông. Vẫn theo thầy Hãn, với một ngân qũy như thế, ngành Giáo dục không cần tăng học phí mà vẫn đủ để tăng lương, đồng thời giảm học phí cho con em, với điều kiện là…
Nhìn các nước trên thế giới mà thèm. Xin trưng ra hai thí dụ: một đất nước XHCN, và một đất nước theo Tư bản chủ nghĩa. Ở Cuba, học sinh tất cả các cấp đều được học hành miễn phí. Có thể qúy vị sẽ phản biện rằng, Cuba là một nước ít dân (11 triệu), nên việc đài thọ chi phí giáo dục tương đối dễ. Nhưng còn Thái Lan thì sao? Dân số 65,4 triệu (thống kê 2005), vậy mà học sinh được học miễn phí trọn 12 năm, và đang tính tăng lên thành 15 năm.…
Thái Lan, Singapore, Malaysia đã trở thành những con rồng thực sự, nguyên nhân không phải nhờ những phép mầu, mà nhờ một đường lối đứng đắn, hợp lý trong việc phát triển kinh tế song hành với phát triển giáo dục. Nhà nước ở đó không hề so đo, không hề ngại tốn kém, không đòi hỏi học phí phải bảo đảm trang trải, phải đủ bù đắp… Chứng minh bằng những con số: ngân sách đầu tư cho giáo dục ở Trung quốc bình quân là 105USD/người, Thái Lan là 350USD/người, Malaysia là 720USD/người, còn chúng ta là 53USD/người. Đây là số liệu năm 2004, rất tiếc chúng tôi không có số liệu cập nhật (nguồn www.mof.gov.vn). Nếu có tầm nhìn xa, Nhà nước tuyệt đối không thể coi Giáo dục là ngành đầu tư có lợi trước mắt, và cân đong đo đếm lời lỗ được.

II- Học phí tư thục.

Có thể khẳng định học phí trường tư đang hoàn toàn được thả nổi. Tại sao? Câu trả lời có thể đến, nếu người đọc chịu khó suy nghĩ.

Toàn thành hiện có 52 trường trung học Tư thục và Dân lập. Xin đưa ra số liệu của 1/12 trường tư thuộc loại nhỏ nhất, tức chỉ có dưới 10 lớp. Trường tư có quyền tự quyết về mặt học phí. Vì nhỏ, muốn tồn tại, phải có một mức học phí thấp nhất, thấp 2-3 lần so với những trường lớn, có thương hiệu.

Học phí:
-Lớp 6, 7 400.000 đ/tháng.
-Lớp 8 450.000 đ/tháng.
-Lớp 9, 10 500.000 đ/tháng.
-Lớp 11 550.000 đ/tháng.
-Lớp 12 650.000 đ/tháng.

Cơm trưa bán trú: 220.000 đ/tháng.

Nội trú đóng thêm: 650.000 đ/tháng. (cộng chung là 870.000 đ/tháng tiền ăn ở).

Liệu rằng mức phí thấp nhất đó, phụ huynh nghèo có cáng đáng nổi không?

Lại thử tính mức lãi ròng của một trường thuộc loại nhỏ nhất, phải thuê mặt bằng, để thấy ngành kinh doanh chữ nghĩa, một khi được thả nổi, sẽ béo bở tới mức nào.
Bình quân các lớp mỗi tuần học 44 tiết, một tháng trên dưới 180 tiết.

Tiền giờ trả cho Gv:
-Lớp 6,7,8 25.000 đ/tiết.
-Lớp 9 30.000 đ/tiết.
-Lớp10 30.000-35.000 đ/tiết, tuỳ môn.
-Lớp 11 30.000-40.000 đ/tiết, tuỳ môn.
-Lớp 12 35.000-45.000 đ/tiết, tuỳ môn.
Nếu lấy tiêu chuẩn lớp 9, với 30 hs:

-Tiền thu học phí: 30x500.000 = 15.000.000 đ/tháng
-Tiền chi:
*Mặt bằng thuê: 1.000.000 đ/thg.
*Điện nước, vệ sinh, khấu hao: 500.000 đ/thg.
*Giáo viên quản nhiệm: 1.200.000 đ/thg.
*Gv đứng lớp: 30.000 đ x 180 tiết = 5.400.000 đ/thg .
-Cộng chung chi: 8.100.000 đ/tháng.
Trừ thêm chi phí linh tinh (tính cao tối đa), lãi ròng còn khoảng 5.000.000 đ/tháng.

Đối với những trường lớn khoảng 100 lớp, học phí gấp đôi, và sĩ số lên tới 4,50hs/lớp thì sao? Bởi thế người ta tính rằng, trường tư lớn lời khoảng 1 tỷ tới 1,8 tỷ/ tháng. Ai là người gánh khoản lợi nhuận này? Xin thưa, con em ta đó. Tôi thực sự nghi ngờ thiện chí của những nhà-giáo-kinh-doanh-chữ-nghĩa đối với tương lai con em, cũng là đối với tiền đồ dân tộc.

Trở lại việc phổ cập cấp THCS. Ở các nước trên thế giới, học sinh trong lứa tuổi phổ cập, nếu không đi học, cha mẹ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Singapore chẳng hạn. Trẻ đang trong tuổi cưỡng bách giáo dục mà không đi học thì cha mẹ bị phạt tới 5.000 đô Sing. và có thể bị phạt tù, nhưng không quá 12 tháng. Còn chúng ta, bắt buộc phổ cập cấp hai, nhưng học phí lại trên trời, phụ huynh biết hỏi ai? Chẳng lẽ phạt các bậc cha mẹ đành để con thất học, chỉ vì không kham nổi học phí.
Xin nhớ, điều kiện tiên quyết để phổ cập phải là: phổ cập tới đâu, miễn phí tới đó.
Đứng trước nỗi bức xúc của phụ huynh đối với việc tăng học phí, đầu tháng 7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng đã giải thích với báo chí rằng: "Bộ chưa trình Chính phủ đề án học phí mới, nên Bộ chưa có chủ trương chỉ đạo các tỉnh, thành điều chỉnh học phí". Thật may, nhưng thưa các bậc phụ huynh, nói chưa chỉ đạo tăng, không đồng nghĩa với không tăng. Và các bậc phụ huynh vẫn có quyền tiếp tục lo.
29.8.2007

No comments: