Sunday, November 11, 2007

TÂM TÌNH CỦA MỘT GIÁO GIÀ HƯU NON (BÀI 2)


Vũ Lưu Xuân

Cũng ngày này năm trước, tôi đã có dịp tâm tình với các em học sinh, bằng tư cách của một giáo già hưu non. Năm nay giáo già hưu non xin thưa chuyện với qúy vị hiện còn may mắn phục vụ trong ngành giáo dục, một ngành mà những ai quan tâm tới tương lai đất nước đều mong muốn tham gia, hoặc ít nhất có cơ hội trao đổi và được lắng nghe.

Xin gọi một cách thân mật, và cũng hơi mạo muội, đội ngũ phục vụ trong ngành giáo dục là những đồng nghiệp của tôi, dù trẻ hay già. Từ nghìn xưa chúng ta thường được tôn xưng bằng nhiều mỹ từ, nhưng với tôi, đẹp nhất vẫn là bốn chữ lương sư hưng quốc, bốn chữ gắn vai trò ông thầy với một trọng trách, một sứ mạng , từ đó nghề giáo được coi như thiên chức. Hoàn thành thiên chức chúng ta có quyền tự hào đã góp phần, dù rất nhỏ, làm nên lịch sử, ngược lại, chúng ta sẽ là tội nhân của muôn đời. Đồng thời, vì nghề giáo là một thiên chức, nên trước hết, chúng ta không có quyền tự biến mình thành một lái buôn, bán chữ, hoặc một cai đầu dài. Ranh giới giữa công và tội, khởi đầu từ một chọn lựa, chọn lựa đối tượngthái độ phục vụ. Thế cho nên người làm giáo dục không thể thiếu một tấm lòng.

Viết tới đây, tôi chợt nghĩ tới “ham muốn tột bậc” của Bác, đó là : “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. “Ai cũng có cơm ăn, áo mặc” là điều kiện sống còn trước mắt, và “Ai cũng được học hành” là điều kiện tối quan trọng để xây dựng đất nước trong tương lai. Chỉ một vế này thôi, đủ đặt ra cho chúng ta biết bao vấn đề, biết bao trách nhiệm. Và, Các đồng nghiệp của tôi, chúng ta đã làm được gì ?Và đang làm gì ? Là những câu hỏi cần được trả lời sòng phẳng và trung thực.

Sinh ra, con người buộc phải chấp nhận xuất phát từ một khởi điểm tuyệt đối không đồng đều. Tới đây giáo dục bắt đầu thể hiện khả năng và vai trò của nó, giúp tạo ra cơ hội đồng đều cho mọi thành viên, từ đó rút ngắn những khoảng cách hầu như phi lý, hầu như bất công, và cũng từ đó cuộc sống của mọi người đều có cơ may thăng hoa, dẫn theo sự phát triển chung của xã hội, của đất nước.

Ai cũng được học hành”, đây là đối tượng phục vụ, Bác đã vạch ra cho chúng ta, những người hoạt động trong ngành giáo dục. Giáo dục, kể cả giáo dục chất lượng cao không thể là đặc quyền của một lớp người vốn đã được ưu đãi. Muốn thế, điều kiện tiên quyết, giáo dục phải nằm trong tầm với của mọi thành viên xã hội, cụ thể những chi phí, đóng góp để thủ đắc giáo dục phải ngang tầm với mặt bằng thu nhập quốc dân, để nó không trở thành một gánh quá nặng đối với đại đa số, quanh năm lấm lưng tối mặt, mà chính họ lại là thành phần cần đến giáo dục như một phương tiện hữu hiệu, nhằm cải thiện điều kiện sống, cả vật chất lẫn tinh thần, vốn đã rất đắng cay. Về phương diện này, các đồng nghiệp của tôi, các bạn đã làm được gì ? Tôi đi tìm câu trả lời và chỉ bắt gặp những tiếng than: của một phụ huynh :“Đời chúng tôi nghèo, nay cố gắng giúp cho con ăn học để thoát cảnh nghèo như cha mẹ nó, nhưng thất vọng rồi !...” (Trần Hoàng Nhiên - Cà Mau – Tuổi trẻ, 31.10.2005). Và từ phía người đi học: “Em mong được tiếp tục học, mong bộ GD-ĐT giúp đỡ cho những người như em thoát khỏi kiếp nghèo, thoát khỏi mù chữ” (sinh viên cao đẳng Phan Văn Nghĩa – Tuổi Trẻ, 3.11.2005). Hai tiếng than hàm chứa một thực tế bi đát, khiến tất cả chúng ta, những người làm giáo dục, nếu không vô cảm, tất phải giật mình, tự hỏi. Trước mắt con em muốn tiến thân bằng con đường học vấn có muôn vàn rào cản không đáng có, sao vậy ? Câu trả lời trở thành một vấn nạn thuộc lương tâm. Tiếc rằng, trong giáo dục, biết bao điều tác tệ khiến cho tiếng than ngút trời ấy mỗi lúc một dài thêm và đau thêm.

Rào cản đó là gì? Lớn nhất là Học phí.Tất nhiên, không một nhà nước nào có thể bao cấp trọn gói cho giáo dục, và phụ huynh có bổn phận phải tiếp tay, nhưng:

- Với sinh viên, học phí (dự tính 900.000/tháng), kể thêm cơm ăn , áo mặc, chỗ ở, để có thể cố sống mà học hành, lớn gần gấp đôi lương tháng của một công nhân viên chức, là phụ huynh, để khi ra trường, nếu không tìm được chỗ ngon ăn, sinh viên tốt nghiệp lại lĩnh đồng lương bằng phân nửa số học phí đã chi ra, chuyện chi mà lạ vậy?

- Với học sinh trung học, kế hoạch “tính đúng , tính đủ”, “Giáo dục chất lượng cao”, theo quan điểm:“dịch vụ chất lượng cao thì phải đóng tiền” (vấn đề này còn rất nhiều điều phải bàn về khía cạnh xã hội, đạo đức, và nguyên tắc sư phạm). Rồi đây số con em phải bỏ học sẽ là bao nhiêu ? Rồi làm sao xóa mù ? Rồi làm sao phổ cập trung học ? Rồi làm sao báo cáo? Rồi làm sao giữ ghế? Có lẽ tấm gương Cà Mau không học, không thi vẫn có bằng, sẽ là điển hình đáng để âm thầm nhân rộng trên cả nước.

Lý do phải tăng học phí (có trường hợp cao gấp 5 lần) ? : Lãnh đạo ngành thường than : thiếu tiền. Thật vậy không khi mà năm nay nhà nước đã dành 18% ngân sách cho giáo dục (trên 45000 tỉ) và năm sau là 19% (55000 tỷ), thêm nữa nhân dân những năm qua đã đóng góp 50% kinh phí, trong đó có mồ hôi, nước mắt, có chạy vạy tất tả ngược xuôi của các bậc phụ huynh không muốn con em lầm than vì dốt. Số tiền chi cho giáo dục trên dưới 100.000 tỷ, con số nhiều nước trên thế giới phải ước mơ .

Kết qủa là gì ? Là một tình trạng hổ lốn, chắp vá vì lãng phíthiếu trách nhiệm – tôi muốn đề cập tới thái độ phục vụ. Xin chứng minh :

Ai cũng phải sợ khi nghe GS Dương Thiệu Tống, GS Nguyễn Xuân Hãn, GS Hoàng Tụy, Đại biểu Nguyễn Đức Dũng ...góp ý về sự lãng phí tiền vay nợ nước ngoài (tất nhiên con em sau này phải trả), đại loại : một phần ba số nhân sự trong ngành không đứng lớp, trong lúc tỉnh nào cũng than tình trạnh thiếu giáo viên trầm trọng ; nghiên cứu một đề án chương trình tiểu học cần tới gần 2000 người tham quan, khảo sát nước ngoài, xin nhớ người tham quan khảo sát phải có trình độ chuyên viên, liệu nước ta có nhiều chuyên viên bậc tiểu học đến thế hay không ; có năm trung bình 3 ngày một cuộc họp ở tầm quốc gia ; rồi vấn đề đổi mới sách giáo khoa, mỗi năm ngốn mất 1000 tỷ đồng.

Lãng phíthiếu trách nhiệm ở đâu ? Xin chứng minh : gần 2000 người tham quan, khảo sát nước ngoài, cuối cùng đẻ ra cái chương trình tiểu học lạ đời, áp dụng chưa được nửa năm, cả nước đều than, trò không học nổi, thầy không dạy được. Lại xin chứng minh : chúng ta chi 1000 tỷ mỗi năm cho sách giáo khoa, trong khi theo nhiều nhà khoa học chỉ cần 100 tỉ đồng đủ để cải cách sách giáo khoa từ lớp 1 tới lớp 12. Cũng xin lưu ý điểm này, trên thế giới sách giáo khoa các nước từ 5 tới 10 năm mới thay đổi một lần, để duy trì liên tục tính, ổn định tính, đồng thời vẫn không bị lạc hậu trước đà tiến vũ bão của tri thức. Chỉ cần 5 năm không đổi sách giáo khoa, và chi đúng (tức 100 tỷ), chúng ta đã bớt lãng phí được 4900 tỷ, đồng thời các gia đình nghèo tránh khỏi cảnh : em không học được sách của anh, lại phải móc hầu bao mua sách mới. Chi số tiền khổng lồ, mà sách giáo khoa, tức pháp lệnh, năm nào cũng sai, đó mới là chuyện lạ. Nguyên nhân vì đâu ? Trước hết và dễ thấy nhất là dùng người không đúng khả năng. Nhưng phía sau đó, còn những lý do nào khác ? Còn những uẩn khúc gì?. Các đồng nghiệp của tôi, số tiền Nhà nước và nhân dân đóng góp cho giáo dục, không thể coi như mâm xôi thịt giữa chốn đình trung dành cho các bậc chiếu trên.

Đồng nghiệp của tôi, các bạn nghĩ sao, khi theo ông Nguyễn Đức Dũng, nếu bộ GD-ĐT không lãng phí, “chúng ta hoàn toàn không phải tăng học phí, thậm chí có thể giảm học phí.” Vậy thì, những việc chúng ta đang làm đây, là công? Là tội? Tội với người đời nay? Hay tội với người đời sau?.
Tôi lại nghĩ tới nỗi đau của Bác, nỗi đau vì ước muốn “ai cũng được học hành”, chưa được chúng ta quyết tâm thực hiện. Tôi lại nghĩ tới nỗi đau của các bậc thầy : thầy Dương Thiệu Tống, thầy Trần Văn Tấn, thầy Hoàng Tụy, ... biết bao lời tâm huyết của các bậc thầy vị vọng chẳng khác gì gió thoảng bên tai, vậy thì, mấy lời chân thật của một giáo già hưu non, ai nghe ?
17.11.2005

No comments: