Wednesday, October 17, 2007

Sáng tạo, một đòi hỏi của giáo dục

Vũ Lưu Xuân

Trong đời thường, tất cả chúng ta đều không ít lần phải đối mặt với những tình huống chưa hề được dự liệu trước, và giải pháp đôi khi lại nằm ngoài kiến thức sách vở, nằm ngoài những kinh nghiệm đã tích lũy sau nhiều năm. Gặp trường hợp đó, óc sáng tạo giúp đưa ra một lối thoát khả thi. Như vậy, óc sáng tạo là phẩm tính tối cần cho cuộc sống, nó giống một vũ khí xung phá, giúp chúng ta vượt khỏi bế tắc, để vươn tới thành công.

Viết bài này, tôi không nhìn óc sáng tạo dưới góc độ thần thoại, coi nó như thuộc tính đặc hữu của Thượng đế và thần linh, đã được á thần Prometheus đánh cắp và ban cho loài người. Tôi cũng không nhìn nó dưới góc độ triết học theo kiểu Sigmund Freud, khi ông bàn về phạm trù sáng tạo trong nghệ thuật, coi như một biện pháp nhằm thoả mãn ước muốn đơn thuần, và là một cách thế thoát ly thực tại. Nói chung những góc nhìn này mặc nhiên biến sáng tạo thành một thực thể cao siêu, phức tạp và ghê gớm lắm.

Ở đây, chúng ta chỉ nhìn óc sáng tạo dưới dạng một kỹ năng tuy ưu việt, nhưng phổ quát, tức mọi người, tùy mức độ, đều có, và đều có thể rèn luyện, nâng cao, một khi biết khai mở cho nó đường dẫn để nẩy mầm, lớn lên. Và như thế, nhà trường, trong chiều hướng phát triển con người toàn diện, không thể chối từ bổn phận rèn luyện óc sáng tạo cho học sinh, qua đó cung cấp cho họ một hành trang thiết yếu để vào đời, để ứng phó, và để khỏi vấp ngã một cách đáng tiếc vì căn bệnh ấu trĩ.

Xin nói loanh quanh một chút. Người Việt chúng ta thông minh thì có thừa, nhưng óc sáng tạo thì lại thiếu, đó là hậu quả tất yếu của tình trạng nô lệ tệ hại về mặt tinh thần, của nền giáo dục nhai văn nhá chữ từ ngàn năm. Việc đề cao đức tính kẻ hậu học theo thầy hàm chứa một mặc cảm tự ti, hàm chứa một thói quen bước đi trong lối mòn, khước từ cách nhìn mới, sáng tạo, và như thế, chúng ta suốt đời chỉ có thể làm đứa học trò chăm, ngoan của người ta. Việc xây dựng một quan niệm khập khiễng về kẻ sĩ theo hình mẫu Trung Hoa; việc cớm nắng dưới cái bóng quá lớn của Đức Phu Tử, khiến chúng ta mất đứt một nghìn năm ngụp lặn trong vũng tù đọng của tri thức. Hậu quả là, suốt chiều dài lịch sử thời phong kiến, những nhà tư tưởng thực sự lớn, cụ thể như Chu Văn An, Lê Quý Đôn, đặc biệt là Nguyễn Trường Tộ, chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Một nghìn năm trước là thế. Còn bây giờ? Xin trở lại vấn đề sáng tạo trong giáo dục.

1. Sáng tạo, phác họa một cách nhìn

Xin lưu ý điểm xuất phát của sáng tạo:

Sáng tạo xuất phát từ nhu cầu: nhu cầu hiểu biết, nhu cầu mưu sinh thoát hiểm. Nhu cầu kích thích trí tò mò, từ đó khám phá ra những cái mới cung ứng cho cuộc sống mỗi ngày một nâng cao, từ đó tìm ra biện pháp mới giải quyết mớ bòng bong của đời thường. Làm thui chột óc sáng tạo là mặc nhiên giết chết tính tò mò khoa học, là mặc nhiên biến cuộc đời thành tẻ nhạt, nhàm chán.

Một số đặc tính của sáng tạo:

-Sáng tạo là một thuộc tính đặc biệt của con người, giúp chúng ta vượt lên trên tất cả các loài động vật hạng hai, tuy nhiên nó không phải là khả năng thiên bẩm, dành riêng cho một số ít cá nhân ưu tú, mà là một tập tính có thể rèn luyện được.

-Sáng tạo là thoát ra khỏi lối mòn, là phá vỡ những cái hiện có nhưng đã lỗi thời, không đáp ứng được những chuyển biến mới phong phú hơn, từ đó đưa ra một cái nhìn mới phi truyền thống, chẳng hạn đánh giá lại một đề tài văn học.

-Sáng tạo là tìm ra một phương án mới, một cách giải quyết mới, cho một bài toán chẳng hạn.

-Sáng tạo không đến từ hư vô, mà là sự phối hợp mới của những yếu tố cũ, tức kiến thức thủ đắc, kế thừa, như vậy người càng tính lũy được nhiều yếu tố cũ, càng có cơ may nhiều hơn trong việc sáng tạo ra cái mới.

Điều kiện của sáng tạo:

Tư tưởng chỉ có thể vùng vẫy, phát triển khi có một khoảng trống trước mặt, và điều kiện tiên quyết của sáng tạo là tự do. Một khi đã quan niệm rằng chỉ có ta là duy nhất đúng, tuyệt đối đúng, thì đã mặc nhiên khép lại một chiều của tư duy, vì ở đó có một ranh giới không cần vượt qua và cũng không được phép vượt qua.

-Óc sáng tạo đồng hành với lòng can đảm, và ước muốn thoát ra khỏi sáo mòn. Người có óc sáng tạo không sợ bị phản bác, bị trù dập, bị điểm xấu, bị đánh rớt chẳng hạn.

-Óc sáng tạo phát triển từ thói quen suy luận, thói quen đặt vấn đề, và tìm ra giải pháp, nó không đồng hành với tính lười biếng và ỷ lại, há miệng chờ mớm cơm. Người có óc sáng tạo không cam tâm đưa tay cho người khác dắt như một đứa trẻ chung thân vị thành niên.

2. Quy chiếu về nền giáo dục hiện hành.

Kể từ khi ông Nguyễn Thiện Nhân lên nắm Bộ GD&ĐT, chúng ta thực sự đã có nhiều tín hiệu đáng mừng. Đối với một nền giáo dục mà đụng bất cứ cái gì cũng thấy rối tung lên, thì việc tháo gỡ từng mảng, từng phần là biện pháp cải cách hợp lý và khoa học. Tuy nhiên di sản nặng nề của những sai lầm quá khứ hàng chục năm, không thể đòi hỏi cải thiện trong một sớm một chiều, có lẽ vì thế, chúng ta thấy vẫn còn nhiều điều buộc phải suy nghĩ.

Tuy không cổ võ tinh thần tự do vô điều kiện, nhưng trong nền giáo dục hiện hành, chúng ta thấy vẫn còn tồn tại rất nhiều điều không thể hiểu được:

-Về sách giáo khoa. Sách giáo khoa được minh nhiên hay mặc nhiên coi là pháp lệnh. Nhưng một khi đã coi sách giáo khoa là pháp lệnh, mà cả thầy lẫn trò đều phải tuyệt đối phục tùng, kể cả khi sách giáo khoa còn bộc lộ sai sót, thì chúng ta đã bắt đầu đi vào con đường một chiều của tư duy, cho dù con đường đó rộng hay hẹp. Có lẽ chỉ nên coi sách giáo khoa như pháp lệnh, một khi trình độ của cả thầy lẫn trò còn thấp, chưa kịp trưởng thành, đặc biệt khi người thầy còn yếu về trình độ và nông về kiến thức, phải mượn sách giáo khoa làm chỗ dựa duy nhất để tự trấn an. Cần thấy rằng sách giáo khoa chỉ là phương tiện khai mở kiến thức, nên không thể hạn chế tri thức và tư duy. Thói quen vâng phục tất yếu đẻ ra mặc cảm tự ti. Và mặc cảm tự ti tất yếu đẻ ra tính lười biếng về mặt tinh thần.

-Về cách chấm bài, đặc biệt là bộ môn khoa học xã hội, trong đó có văn. Tôi đã bỏ nghề dạy học cách đây đúng 26 năm, bởi thế có những góc khuất không nắm hết, hoặc hiểu sai, nhưng có một người bạn chấm tuyển sinh đại học cách đây ít năm cho biết: việc chấm văn bây giờ rất chặt chẽ và khoa học, với thang điểm chi ly, chỉ cần đầy đủ các ý là sẽ được điểm cao. Nếu lời nói đó phản ánh trung thực cách chấm điểm môn văn hiện thời thì quả thật đáng buồn. Tại sao lại thế nhỉ? Tại sao một bài văn lại bắt buộc phải đầy đủ ý này, ý kia, mà không thể có ý khác. Phải chăng chúng ta đang cố gắng đào tạo nhân tài theo kiểu dây chuyền, trăm hoa đều nở ra cúc vạn thọ. Chấm thi kiểu ấy, mà lại đòi học sinh phải có tư duy độc lập và sáng tạo, thì quả thật là không tưởng..

-Về cách giảng dạy: Mấy năm gần đây, chúng ta luôn hô to những khẩu hiệu đả phá lối học tủ, học vẹt. Đúng đó, học tủ, học vẹt hủy hoại sức sáng tạo, giết chết tự do tư duy, gây ra không khí nhàm chán, khiến học sinh không còn coi việc học như một thú vui bổ ích. Trong phạm vi học đường, truyền thụ kiến thức là ưu tiên hàng đầu, nhưng cần mà chưa đủ, chúng ta còn phải huấn luyện khả năng tự học, tự vận dụng tri thức, và phương pháp tư duy đối với từng bộ môn, đó là cái hữu dụng còn đọng lại, sẽ theo chúng ta đến hết cuộc đời, sau khi những kiến thức cụ thể, nếu không có cơ hội sử dụng, sẽ dần dần rơi rớt với tháng năm. Nếu chỉ dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức theo kiểu học nhồi, học vẹt, tức là chúng ta đang dừng lại ở mức huấn luyện động vật cấp hai trong một gánh xiếc. Với cách học học tủ, học vẹt, óc sáng tạo của học sinh đã thực sự bị trói và mòn dần đi. Có điều, với cách dạy, cách học đã trở thành nếp quen từ nhiều năm qua, nhà trường hình như chưa tìm được biện pháp khả thi hơn, giúp học sinh đậu tốt nghiệp với số lượng cao. Ước muốn có nhiều học sinh đậu là một ước muốn chính đáng đối với nhà trường và mọi phụ huynh, nhưng từ ước muốn chính đáng, chúng ta không ngại dùng mọi thủ thuật thì cái giá phải trả là quá đắt. Với những thủ thuật phần lớn phản giáo dục đó, về mặt tri thức, chúng ta chỉ có thể tạo ra những thế hệ học sinh, trừ trường hợp ngoại lệ, đa phần chỉ vật vờ như cái bóng của sách vở, của ông thầy, chẳng thể vận dụng kiến thức một cách hiệu quả vào những tình huống không phải lúc nào cũng cố định trong đời thường.

Một khi thấy được tầm quan trọng của óc sáng tạo trong việc phát triển con người, phát triển đất nước, chúng ta mong rằng các nhà giáo dục, đặc biệt là giới có thẩm quyền, có được một sách lược khoa học và dài hơi, để tạo ra những thế hệ thanh niên Việt Nam không chỉ nổi tiếng thông minh, cần cù.

No comments: