Sunday, November 11, 2007

TÂM TÌNH CỦA MỘT GIÁO GIÀ, HƯU NON (bài 1)


Vũ Lưu Xuân


Tôi là một giáo già (ngoài sáu chục), hưu non (từ tuổi bốn mươi). Tuy đã hơn hai mươi năm rời xa môi trường sư phạm, nhưng lạ thật, nhiều đêm tôi vẫn nằm mơ thấy mình đứng lớp. Hôm nay tôi chợt ao ước được sống lại không khí ngày nào, nhưng không phải để dạy dỗ – với thời gian, chữ nghĩa của tôi đã rơi rụng hết rồi - mà để trò chuyện, tâm tình, tâm tình với những học sinh đã từng đào tạo ngày nào, và đặc biệt với những học sinh mà năm tôi bỏ nghề, chưa kịp xuất hiện dưới bóng mặt trời, với các em, dù không quen biết, tôi vẫn xin được tâm tình bằng tư cách của một ông thầy. Tâm tình tự thân là một trao đổi thiên về tình cảm, chủ quan, rất có thể sai, lộn xộn, thiếu hệ thống, nhiều khi không đầu, không đuôi, nhưng tuyệt đối không giả trá. Đến với các em, tôi sẽ trút bỏ mọi vỏ bọc, mọi mặt nạ, thứ phương tiện thường được sử dụng để chiếm phần hơn khi phải đối đầu với tha nhân. Quan hệ thầy trò, dứt khoát không phải là quan hệ đối đầu.

Ngày bước vào trường Đại học sư phạm, tôi mơ ước có cơ hội trao cho các em một mớ kiến thức làm phương tiện tiến thân, phục vụ, đồng thời - và cũng rất quan trọng - gợi mở cho các em một cung cách sống, để ngẩng mặt làm người. Đó không phải là hoài bão của riêng tôi, mà là tâm huyết chung của mọi ông thầy yêu nghề và có lương tâm.

Hồi còn đi dạy, tôi rất buồn khi nghe người ta gọi giáo viên là chiếc máy cái. Mỹ từ ấy dường như muốn đề cao vai trò của người thầy. Quan trọng lắm chứ, chiếc máy cái sản xuất ra những chiếc máy con và hàng loạt sản phẩm cho xã hội. Nhưng dù chất lượng cao chăng nữa, đó vẫn là thứ sản phẩm hàng loạt, rập khuôn. Tệ hơn, quan hệ giữa máy cái, máy con và sản phẩm, được hiểu là quan hệ giữa thầy và trò, ở đây, là thứ quan hệ vô tính, không dành chỗ cho tình cảm chen vào. Như thế, với cách nhìn này, chúng ta đang khởi đi từ một nền giáo dục hoàn toàn vắng bóng con người. Chúng ta đang tiến tới việc đào tạo không phải những con người như một chủ thể tự do, có cá tính, có kiến thức, biết độc lập tư duy và đồng thời cũng có những cảm xúc, ray rứt riêng tư.

Trong 16 năm giảng dạy, dù rất yêu nghề, tôi vẫn thường lưu ý học sinh: không một ông thầy nào dạy giỏi cho bằng quyết tâm tự học. Tự học đòi hỏi một phương pháp và thời gian trống. Nhà trường ngày nay có khi nào nghĩ đến việc rèn luyện cho các em kỹ năng và hứng thú tự học hay không? Nhà trường ngày nay có dành cho các em khoảng thời gian trống đủ để tự học hay không? Hay nhà trường, vì quá lo chạy theo chỉ tiêu, thành tích, đã tạo cho các em thói quen học tủ, học vẹt, học với mục đích thi đậu, chứ không phải học để làm người, do đó, đã nhìn các em như những đứa trẻ chung thân ấu trĩ, cần mớm từng câu, từng chữ, tức là phải học cho thật kỹ những bài mẫu, phải thường xuyên kiểm tra, phải răn đe, phải nhồi nhét kiến thức vào đầu, qua những tiết học thêm, dạy thêm, truy bài ngoài giờ chính khóa, đặc biệt với học sinh lớp 12, những con người đang từng bước chuẩn bị trưởng thành. Các em bị vây bủa trong một bầu không khí quá sức căng thẳng, khẩn trương, làm như thể bằng cấp là toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống. Bầu không khí ấy làm thui chột con người. Tôi biết một trường công lập được chỉ định làm thí điểm phân ban, đã xếp thời khóa biểu 45 tiết chính khóa một tuần. Những thí điểm kiểu này không rõ sẽ tồn tại được bao lâu. Trong vòng mười năm nay, việc thí nghiệm, thay đổi chương trình học, thay đổi chính sách tuyển sinh, thay đổi sách giáo khoa, thay đổi mô hình giáo dục… xảy ra thường xuyên như cơm bữa, người ta không hề quan tâm đến liên tục tính của giáo dục. Nếu quan niệm nhà trường như một thí điểm, con người như một vật thí nghiệm, cứ mạnh dạn làm đi, sai đâu sửa đó , tức là các vị gánh trọng trách hoạch định đường lối đã khinh xuất, vi phạm nguyên tắc sư phạm. Cái sai trong giáo dục, có thể di lụy tới một vài thế hệ.

Tôi có dịp trò chuyện với một ông thầy chấm thi đại học môn văn. Theo ông, việc chấm văn ngày nay rất công bằng, rành rọt, mỗi bài luận gồm bao nhiêu phần, bao nhiêu ý, đều có thang điểm chi ly, chuẩn xác, chỉ cần trình bày đầy đủ các ý, học sinh sẽ được điểm cao. Minh bạch thật, nhưng là cái minh bạch lạnh lùng của bộ môn khoa học tự nhiên, hoàn toàn xa lạ với tư duy văn học, mang dấu ấn con người. Ở đây, lối suy nghĩ độc lập, phi truyền thống không còn đất đứng, đặc biệt trong hệ thống thi cử mang nặng tính chất từ chương, nhai văn, nhá chữ. Đó là hệ quả tất yếu của thứ quan niệm những chiếc máy cái đẻ ra những chiếc máy con. Tất cả phải tuân thủ thứ trật tự, khuôn phép đã được lập trình. Người lớn giáo dục các em vậy đó, họ dạy các em khen chê rập khuôn như những con vẹt, nhưng lại đòi hỏi các em phải biết phát huy sáng kiến, phải biết tư duy độc lập, sáng tạo. Những phẩm chất ấy từ đâu mà đến? Chúng ta đang chết ngộp giữa những khẩu hiệu rất đẹp, rất kêu, nhưng vô nghĩa, trá ngụy vì không thực sự được quan tâm.

Môi trường giáo dục ngày nay đặt mọi cá nhân trong tâm trạng thường xuyên lo âu. Giám đốc Sở lo, Hiệu trưởng lo, giáo viên lo, phụ huynh lo, rồi học sinh càng lo. Nhưng lo, rất lo, lo cuống quýt, không phải để đào tạo thế hệ trẻ tương lai của đất nước, mà lo vì thành tích, chỉ tiêu. Xin dẫn chứng:

Báo CG&DT số 1228, độc giả Hồng Lam viết: Ở vùng sâu vùng xa, các em học sinh lớp 1,2,3 dù học có thế nào, cũng được lên lớp, dù có trường hợp phụ huynh “ xin cho lưu ban” để có sự chuẩn bị các lớp đầu tiên cho tốt hơn, vẫn không được! Hỏi ra mới biết đây là quy định của phòng GD, bởi học sinh phải lên trên lớp ba mới được công nhận đã “xóa mù chữ”.

Đó là chuyện năm 1999 ở vùng sâu vùng xa. Tới 2004, tại một tỉnh duyên hải, tình trạng càng đáng sợ hơn. Báo Thanh Niên ngày 5.11.2004 cho biết: có học sinh học đến lớp 6 vẫn không… biết chữ… chuyện hoàn toàn có thật và không phải cá biệt… nhiều trường tiểu học cố gắng bằng “mọi giá” phải “duy trì” thành tích tốt nghiệp tiểu học 100%. Đó là chuyện của một tỉnh duyên hải, nhưng còn cả nước thì sao? Tại sao cái tệ trong giáo dục lại càng lúc càng tệ hơn? Những tiếng hô đầy khí thế “Chăm phần chăm”, chỉ nên xuất hiện trong những cữ nhậu phè phỡn, thì nay nó được sử dụng lan tràn trong học đường. Để đạt thành tích “chăm phần chăm” đó, có bao nhiêu học sinh, thuộc loại kém, cá biệt, lẽ ra cần được quan tâm nhiều hơn, thì đã bị hy sinh, bị gạt ra, bị loại trừ. Để đạt thành tích “chăm phần chăm” đó có bao nhiêu tính toán, thủ đoạn vặt đã được sử dụng, thứ thủ đoạn khiến một nhà giáo chân chính phải đỏ mặt vì xấu hổ. Câu châm ngôn Tất cả vì học sinh thân yêu, có lẽ phải được cải biên thành Tất cả vì chiếc ghế thân yêu.

Đọc bài Nào, ta lại thi đua theo phong trào. (CG&DT-số 1482), của anh Khổng Thành Ngọc, tôi cảm nhận được những bực dọc, phẫn nộ, cay đắng của một nhà giáo thấy rõ điều sai, mà đành bất lực, vì tất cả đều bị bóp đến nghẹt thở trong một cơ chế phi lý. Theo anh Ngọc, Đã bao lâu nay, giáo viên bị chìm ngập trong vô số cuộc thi đua… thi đua chồng chéo lên nhau, kín hết thời giờ của giáo viên… Tính vụ hình thức nảy sinh từ đó… sức ỳ hiện nay của ngành giáo dục vì chưa nhận thức được những tác hại của thói vụ hình thúc, chạy theo phong trào, đuổi bắt thành tích “ảo”. Tôi tự hỏi, chừng nào thầy giáo Ngọc nói riêng và các nhà giáo nói chung mới hết ưu tư? Ai sẽ trả lời cho vấn nạn này?

Phải chăng chính môi trường giáo dục rất căng thẳng và cũng rất gần với không khí chợ búa, đã khiến một vài thầy cô mất bình tĩnh, đánh đập học sinh một cách vô lối, đồng thời cũng có những học sinh, cha mẹ học sinh, xông vào lớp hoặc chặn đường đánh thầy cô. Khi dùng hai chữ chợ búa gắn với môi trường giáo dục, tôi rất đau lòng, nhưng biết dùng từ gì chính xác hơn. Việc nhà trường ép buộc phụ huynh tự nguyện ký đơn xin cho con em học thêm, hiện tượng ấy nên gọi là gì? Việc một vài giáo viên yêu cầu học sinh học thêm tại nhà, em nào không học đều bị trù dập quanh năm, hiện tượng ấy nên gọi là gì? Báo Tuổi Trẻ ngày 29.10.2004, trang 10 ghi lại lời một em nhỏ dặn mẹ : “Mẹ nhớ không được nói với ai rằng con đi học thêm, vì nếu người ta biết thì trường con bị xóa sổ, cô bảo tụi con như thế”. Lời trẻ thơ ấy nói lên điều gì? Việc một trường nọ, đầu năm học bắt phụ huynh đóng 700.000 đồng tiền phụ đạo hai tháng rưỡi, rồi một trường kia bắt học sinh đóng 300.000 đồng để mua hai bộ đồng phục và một bộ quần áo thể dục. Cứ thử làm một phép tính nhanh, nhân tiền học phí một tháng với 50 học sinh/lớp, trừ số tiền thù lao phải trả cho giáo viên, chúng ta sẽ thấy việc kinh doanh chữ nghĩa mang lại một nguồn lợi khổng lồ; lại còn mặt hàng khác: sách giáo khoa, số lợi hàng năm là bao nhiêu? Kiến thức ngày xưa được trân trọng gọi là chữ thánh hiền, ngày nay trở thành mặt hàng giữa chợ. Những hiện tượng ấy nên gọi là gì? Tôi luôn lên án hành vi trò đánh thầy, nhưng trong một môi trường giáo dục mang không khí chợ búa, hành vi phi đạo đức ấy có thể hiểu cách nào nữa không?

Viết tới đây tôi rất lo, chỉ sợ xúc phạm những nhà giáo chân chính. Tôi có anh bạn dạy lớp 12, rất băn khoăn, ray rứt khi cầm số tiền 50.000, thù lao cho một tiết truy bài vào buổi chiều, việc làm mà anh cho là phi lý. Nhưng đó là cơ chế, biết sao hơn!

Một điều nữa khiến tôi luôn bận tâm: đem giáo dục giới tính vào trong nhà trường. Rất tốt và rất cần, nhất là trong thời kỳ bùng nổ nhiều vấn đề xã hội nóng bỏng. Nhưng điều đáng nói là người ta đã dạy các em những gì? Dưới bảng hiệu Giáo dục giới tính, xem ra người lớn có vẻ hoàn toàn đặt nặng vấn đề an toàn tình dục, mục đích: tránh lây nhiễm HIV/AIDS và ngừa thai, một gánh nặng của người lớn, của xã hội. Tôi nhớ một chuyên viên tư vấn có thế giá đã khuyên các em nên hoãn cái… sự ấy lại, một khi chưa tìm được bao cao su. An toàn trước đã! Đúng và khôn đấy các em, nhưng tôi lại buồn vì ở nhà trường, Giáo dục giới tính, trong chừng mực nào đó bị đơn giản hóa vào giáo dục sinh lý, tính dục và tôi có cảm tưởng rằng học sinh được nhìn, xin lỗi các em, như những động vật đến thời kỳ giao phối. Giáo dục giới tính phải được hiểu theo hai chiều kích: tâm lý và sinh lý. Ở tuổi các em, lời mời của giới tính, nếu có, trước hết là lời mời của tình yêu, là khát vọng chia sẻ giữa cơn khủng hoảng của tuổi mới lớn, là niềm đam mê, là ánh mắt, là nụ cười, có thể là nước mắt, là những dấu hỏi bất ngờ làm gợn sóng một thời bình yên. Tình yêu, ở tuổi mới lớn là thứ ước mơ rất đẹp, trước sau không ai tránh khỏi và cũng không ai muốn tránh, nó là bước khởi đầu của vòng truyền sinh. Giáo dục giới tính trên một bình diện nào đó, phải được hiểu là giáo dục một quan niệm đứng đắn về tình yêu, về hôn nhân, phù hợp với tinh thần văn hóa Á đông. Chúng ta vẫn hô hào phát huy văn hóa dân tộc, mà văn hóa dân tộc, dân tộc Việt Nam, không đơn giản lồng vấn đề giới tính, vấn đề tình yêu vào trong chiếc bao cao su. Các em nên nhớ rằng, tình yêu chân chính bao hàm sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng trước hết là không chỉ biết đòi hỏi những thỏa mãn cho riêng mình. Như thế, tình yêu đích thực, trong chừng mực nào đó hoàn toàn xa lạ với những đòi hỏi tiền hôn nhân, nó không hối thúc người trong cuộc đi kiếm bao cao su. Đó là chút vẻ đẹp rất đáng trân trọng còn sót lại của nền luân lý Á đông, thứ văn hóa thường được rất mực đề cao trong những… khẩu hiệu. Giữa một thế giới băng hoại, ai dám bảo công, dung, ngôn, hạnh là những chuẩn mực phong kiến, lỗi thời, cho dù ngày nay chúng ta không thể hiểu một cách cứng ngắc như các cụ thời xưa. Giáo dục tình yêu phức tạp vì không vạch sẵn cho các em một lối mòn để đi, nó không đơn giản như việc chỉ cho các em con đường đến nhà thuốc tây, đến bệnh viện phụ sản, mà nó mở ra nhiều chiều hướng có khả năng đạt đến khát vọng: hạnh phúc trong cuộc đời. Đơn giản giáo dục giới tính vào những biện pháp an toàn tình dục, người lớn đã lánh nặng, tìm nhẹ, tránh khó, tìm dễ. Quan trọng hơn, chúng ta đang đối diện với một vấn đề thuộc bản chất con người.

Lại đến Ngày nhà giáo rồi, ngày 20.11, ngày thiêng liêng. Ông thầy giàu tâm huyết không đợi ngày này để tiệc tùng và nhận những món quà. Ông coi ngày này như một dịp để tự vấn: ông đã làm được gì và còn phải làm gì? Trong một môi trường giáo dục chắp vá và không an toàn, các em chính là những nạn nhân. Rất tiếc, tôi hoàn toàn không đủ tư cách đại diện các đồng nghiệp để nói lời xin lỗi các em. Tôi chỉ là một cá nhân đơn lẻ và tệ hơn, chỉ là một giáo già hưu non.
17.11.2004

No comments: