Monday, October 29, 2007

Bao cấp tư tưởng trong giảng dạy văn học


Vũ Lưu Xuân

Tôi chính thức nghỉ dạy văn từ năm 1981. Bỏ nghề mà vẫn nhớ. 26 năm sau, lại có cơ hội quay về môi trường cũ, lớp học, với tư cách khiêm tốn: quản nhiệm, nôm na là coi cho học sinh nội trú học
bài vào buổi tối tại một trường tư. Cơ hội này giúp tôi có dịp tận mắt chứng kiến cách học và dạy môn văn ở trường phổ thông, đặc biệt là lớp 12, cuối cấp. Từ cái nhìn sơ bộ, tôi có cảm nhận đầu
tiên (chưa thành khẳng định): cách dạy và học văn của chúng ta mỗi lúc một tồi đi. Cảm nhận có thể sai, vì tôi mới có dịp làm quen với một trường hợp duy nhất, chưa thể khái quát hoá.

Viết bài này, dù trưng dẫn một lớp học cụ thể, nhưng tôi tuyệt đối không phê phán bất cứ giáo viên nào, tôi cũng không chê trách các em học sinh. Tất cả đều là nạn nhân của một cung cách giáo dục vụ hình thức, chuộng hư danh, thành tích, mà lại bế tắc, không tìm ra biện pháp khả thi, cụ thể là giúp học sinh thi đậu, từ đó sẵn sàng hy sinh, mà không quan tâm tới cái giá phải trả. Điều đáng buồn, tất cả chúng ta, cả thầy lẫn trò, dù thật sự khổ tâm, mà vẫn phải loay hoay, vật lộn trong một tình thế chẳng đặng đừng.

1. Tư duy văn học

Từ khi tri thức của con người thêm phong phú, đa dạng và chuyên sâu, phương pháp luận đối với từng bộ môn trở nên cần thiết, nó giúp việc nghiên cứu thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn. Ở đây xin lược xét vấn đề phương pháp tư duy trong văn học và giảng dạy văn học.
Trước hết, có một ranh giới thường mập mờ và ít được quan tâm, tách bạch. Ranh giới giữa văn chương và văn học. Xin lưu ý điểm khác biệt: Văn chương là một bộ môn nghệ thuật, còn văn học là một bộ môn khoa học. Ở nhà trường, cụ thể là cấp ba, chúng ta không dạy sáng tác văn chương, mà bước đầu dạy nghiên cứu văn học.
Sáng tác văn chương là hoạt động nghệ thuật. Tác phẩm văn chương, lấy chất liệu từ thực tế cuộc sống, sử dụng tư duy hình tượng, thi ảnh, thông qua cái khung ngôn ngữ, nói chung, nhằm sáng tạo ra cái đẹp, cả về mặt hình thức nghệ thuật, lẫn nội dung tư tưởng.

Văn học lấy các tác phẩm văn chương, các tác giả, làm đối tượng nghiên cứu, hoặc đi từ tác phẩm, tác giả, rồi khái quát hóa, để phát biểu cái nhìn xuyên suốt về một khuynh hướng, một chặng đường, hoặc rộng hơn, nghiên cứu toàn bộ quá trình diễn biến của tất cả các trào lưu sáng tác, kinh qua chiều dài thời gian, chúng ta đang nói tới văn học sử.

Vì là bộ môn khoa học, tư duy văn học cho dù trừu tượng, trước hết, vẫn phải tôn trọng tính minh bạch, hợp luận lý. Tư duy đó đòi hỏi cái nhìn phân tích, để phát hiện ra tính đặc thù trong mỗi tác phẩm, mỗi tác giả. Tư duy đó đòi hỏi cái nhìn lượng giá, để tìm ra giá trị đích thực, không chịu lệ thuộc vào kiểu nhìn truyền thống, hoặc a dua theo thói thời thượng. Tư duy đó đòi hỏi cái nhìn đối chiếu, để so sánh, định vị một tác giả, tác phẩm trong một trào lưu, một khuynh hướng văn chương. Tư duy đó đòi hỏi cái nhìn tổng hợp để quán xuyến được một dòng chảy, một thời đại… Nói chung, tư duy văn học luôn dành một khoảng trống cho phát hiện, sáng tạo, cho những góc nhìn chưa được xác lập, do đó có khả năng phong phú hoá đời sống tinh thần.

2. Tư duy văn học trong trường phổ thông.

a. Tính chất và lợi ích

Nguyên tắc đầu tiên cần khẳng định: dạy văn tức là dạy cách làm người, vì:

-Trong nhà trường, một mặt, tư duy văn học làm giàu khả năng phán đoán, suy luận.

-Mặt khác, xuyên qua các tác phẩm đã được chọn lọc, tư duy văn học, nếu phát triển một cách đúng đắn, và có phương pháp, sẽ gián tiếp hình thành những giá trị nhân bản, đạo đức, đẹp và cần, thấm vào lòng học sinh. Chúng ta rất khó giảng dạy luân lý, đạo đức bằng những khẩu hiệu thường được bôi trơn, bằng những bài học nhàm chán và khô cứng, bằng những lời khuyên sáo rỗng, dựa trên những giá trị đôi khi cũng đã khô cứng, lỗi thời, đã bị ăn mòn, chỉ còn trơ lại cái vỏ bọc.

-Cạnh đó, tư duy văn học giúp học sinh tự thân phát hiện ra giá trị thẩm mỹ tiềm ẩn trong nghệ thuật, từ đó gợi hứng thú viết lách, tạo ra cái đẹp, hứng thú đi tìm những góc nhìn mới, và hứng thú tự khẳng định mình: tôi không thể, và cũng không chịu là phiên bản của bất cứ ai, cho dù đó là những thầy cô thực sự có tài.

b. Từ một trường hợp cụ thể

Trở lại lớp học cụ thể tôi đã có dịp chứng kiến. Để đối phó với kỳ thi tốt nghiệp, bên cạnh sách giáo khoa được mặc nhiên công nhận là pháp lệnh, mỗi học sinh còn có thêm một tập luận mẫu quay rônêo, do chính giáo viên soạn. Việc học văn chủ yếu gồm: học thuộc lòng các văn bản để trích dẫn, và trả lời câu hỏi, soạn trước các bài giảng, nhưng công việc quan trọng có tính quyết định thành bại trong kỳ thi môn văn: làm tự luận. Phần tự luận được thực hiện ngoài giờ chính khoá như sau: chép lại, có thể nguyên văn, hoặc thay đổi chút ít cách diễn tả trong sách mẫu. Theo giáo viên, việc chép (đúng ra là học thuộc) giúp học sinh quen với các ý cần có đối với từng đề. Làm bài, học sinh có thể thêm ý mới (?), nhưng không được bớt các ý soạn sẵn, coi như chuẩn mực. Cách học này đạt độ an toàn trong thi cử. Điều đáng quan tâm, tuy đây là một trường hợp cụ thể, nhưng chắc chắn không phải cá biệt, sẽ có hàng ngàn giáo viên khác cũng sử dụng biện pháp an toàn này, cho dù có khác chăng nữa, thì mọi con đường đều dẫn tới Rôma, tức là bằng cách nào đó bắt học sinh nắm thật vững và dàn ý thật đúng với các phần của bài mẫu.

c. Nghĩ về bao cấp tư tưởng trong nhà trường :

-Bao cấp tư tưởng nói chung. Đã xa rồi thời kỳ mà nhìn đâu cũng thấy toàn kẻ thù, bởi thế cần phải bao cấp tư tưởng. Chủ trương đó đã dẫn tới việc phủ nhận trắng mọi sự hiện diện phi truyền thống, cũng như mọi giá trị phi truyền thống, Tự Lực văn đoàn chẳng hạn. Tôi còn nhớ trong lớp bồi dưỡng sư phạm dành cho giáo viên miền Nam lưu dụng, một giảng viên đã đọc hai câu thơ của Hàn Mặc Tử:

Trăng nằm xóng xoải trên cành liễu
Đợi gió động về để lả lơi.

Đọc xong, ông dừng lại, nhìn suốt lượt học viên, và sau đó, sự dốt nát đã hiện rõ trên nụ cười ngạo mạn.

-Và bao cấp tư tưởng trong nhà trường.

Bao cấp tư tưởng trong nhà trường xin hiểu nôm na là: sách vỡ, thầy cô cấp phát tư tưởng trọn gói cho học sinh, học sinh chỉ việc thụ động lãnh nhận để trang bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Nói khác đi: sách vở, thầy cô đã suy nghĩ hộ các em, nhiệm vụ của các em đơn giản là: nuốt vào rồi lại nhả ra trọn vẹn, không cần tiêu hoá, để làm thành một thứ dưỡng chất mới, thấm vào máu thịt.

Vì sao phải bao cấp tư tưởng?

Bao cấp tư tưởng trong nhà trường thực ra nhằm mục đích an toàn trong thi cử là chính.
Xin nhắc lại lời một giám khảo môn văn kỳ thi tuyển sinh đại học: “việc chấm văn bây giờ rất chặt chẽ và khoa học, với thang điểm chi ly, chỉ cần đầy đủ các ý là sẽ được điểm cao”. Cách chấm thi như vậy, tất yếu đặt người dạy vào tư thế chẳng đặng đừng: nhồi nhét cho học sinh các bài mẫu, với đầy đủ các ý nằm trong quy hoạch. Như thế, bài mẫu trong bất cứ sách nào, của bất cứ thầy cô nào e rằng cũng được đúc ra từ cùng một khuôn. Nhưng thế nào là đầy đủ các ý? Trong tư duy văn học, ai là người cuối cùng có khả năng và thẩm quyền để khẳng định: bài này có 11 ý, bài kia có 9 ý, bài nọ có 12 ý. Nên nhớ, đối với các thực tại mang tính nhân văn, từ góc độ nhất định, chúng ta chỉ có thể phát biểu một cái nhìn phiến diện. E rằng chỉ họ hàng nhà ếch mới dám vỗ ngực đã thấy hết bầu trời.

Tôi có cảm tưởng chúng ta đang đổ bột vào một loạt khuôn để trước mặt, dập một cái, xuất xưởng ra một “mẻ” cô tú, cậu tú, rồi lại dập cái nữa, xuất xưởng một “mẻ” cô cử cậu cử. Nói vậy có vẻ xúc phạm các em. Thật ra không thể phủ nhận, trong số sinh viên, học sinh tôi từng tiếp xúc, vẫn thấy không ít em thực sự trưởng thành, với lối suy nghĩ có chiều sâu, với cách sống vẫn luôn tôn trọng những nề nếp, giá trị cố hữu, nhưng theo tôi, đạt được điều đó, chính là nhờ không khí gia đình và sự vận động tự thân, chứ hoàn toàn không hưởng lợi được gì (mà lẽ ra các em có quyền được hưởng) qua cung cách dậy văn kiểu này.

d. Và cái giá phải trả:

Mục đích giúp học sinh thi đậu là hoàn toàn đúng đắn, nhưng phương pháp thực hiện lại sai, vì sai nên có cái giá phải trả:

Hậu quả đối với bản thân học sinh:

-Học sinh chưa bao giờ thực sự là chính mình, mà chỉ là cái bóng của sách vở, của thầy cô, và nếu nếp sống tinh thần này kéo dài, các em sẽ là đứa trẻ chung thân vị thành niên. Tình trạng bao cấp tư tưởng trong học đường, phản ánh một nỗi lo nào đó, nhiều khi vu vơ, chỉ có hại, hoặc ít ra lợi bất cập hại.

-Trong kỳ thi tốt nghiệp, chúng ta không ít lần phải cười ra nước mắt khi bắt gặp những quái thai. Sở dĩ có tình trạng này vì thí sinh lười không học bài mẫu, hoặc học mà lệch tủ. Một khi không có thầy cô bên cạnh để nghĩ hộ, quái thai chắc chắn sẽ xuất hiện. Chúng ta sai vì chưa bao giờ giúp học sinh tự thân trưởng thành về mặt tư duy. Chúng ta sai vì cách giảng dạy gượng ép, sáo mòn. Chúng ta sai vì chưa giúp các em phát hiện ra vẻ đẹp thật sự có trong tác phẩm, chứ không ép tác phẩm phải hay, phải đẹp vì đã được kiểm dịch và dán mác. Nhìn chung lối giảng dạy ấy tạo ra bầu không khí nhàm chán, khiến các em thờ ơ trong học tập. Chúng ta có quá nhiều khẩu hiệu, và có hẳn một nền văn chương khẩu hiệu ngoài xã hội cũng như trong nhà trường, thứ văn chương nhạt nhẽo, vô tích sự, chắc chắn không thể đánh động lòng người.

Hậu quả đối với xã hội:

Dù muốn, dù không cũng phải nhìn nhận: con người trước hết là một động vật, nó tất yếu có bản năng của một động vật, nhưng tư duy biện biệt, có thể phát triển trong môi trường giáo dục, là một khả năng đặc hữu, chỉ con người mới có, nhờ đó chúng ta không chỉ sống theo bản năng, mà còn làm chủ bản năng, khống chế được những hành vi phi nhân bản. Một khi bao cấp tư tưởng trong giảng dạy văn học làm thui chột lý trí, làm thui chột khả năng phán đoán, suy luận, khiến cho cái đúng, cái đẹp vắng mặt trong đời sống tinh thần, thì chúng ta đang vô tình đưa con người trở về mức độ sinh vật hạng hai, và như thế, tất yếu bản năng cầm thú sẽ nổi dậy. Hiện tượng học sinh đâm chém nhau, học sinh trở thành kẻ cướp, hiện tượng tuổi teen không định hướng, sống buông thả, sa đọa, chỉ nghĩ tới việc thỏa mãn những đòi hỏi vật chất, giới tính, đã trở thành mối lo chung. Tôi có bi quan và phóng đại quá không?

Viết bài này, tôi mong đón nhận phản biện của người trong cuộc, tức các đồng nghiệp, để thấy rằng mình đã phiến diện, đã hiểu sai, và như thế vẫn còn hy vọng.


Monday, October 22, 2007

Thói quen đối phó


Vũ Lưu Xuân

Đối phó là một khả năng ưu việt, giúp một dân tộc, một tập thể, một cá nhân tồn tại trước muôn vàn khó khăn, bất trắc luôn luôn vây bủa chung quanh. Không có khả năng đối phó, chúng ta sẵn sàng buông xuôi, đầu hàng, cam tâm để mặc lịch sử, để mặc dòng đời cuốn trôi. Một quốc gia không có khả năng đối phó với địch họa, chắc chắn sẽ bị nhấn chìm trong vòng nô lệ. Một chính quyền không có khả năng đối phó, chắc chắn sẽ phải đương đầu với những khủng hoảng triền miên về mọi mặt. Ở phạm vi hẹp, một cá nhân nếu không có khả năng đối phó, sẽ lúng túng, bị động trước những tình huống bất ngờ, và chắc chắn sẽ thất bại. Như vậy, hành vi đối phó có một giá trị tích cực, giúp cá nhân và cuộc sống thăng hoa. Nhưng không hiểu từ lúc nào, nội hàm của từ đối phó đã biến dạng và được mở rộng theo hướng tiêu cực, đồng nghĩa với luồn lách, với thủ đoạn bất chính, chỉ nhằm mục đích tạo ra thứ áo giáp an toàn, để thảnh thơi và vô tư thủ lợi. Và cũng không hiểu từ lúc nào, thật buồn, một phần trong chúng ta, giữa đời thường, đã vô tình nhiễm thói quen xấu đó, coi nó như một phương cách tự vệ cần thiết để đương đầu với tập thể, với cộng đồng, kể cả với bạn bè và người thân, mà lẽ ra phải thành thật và chan hòa, từ đó cuộc sống bỗng chốc trở thành một môi trường đầy ắp đố kỵ, lừa lọc, và không khí bỗng chốc đặc quánh chất giả hình.

Viết bài này, xin suy nghĩ về hai chữ đối phó theo nghĩa mới phát sinh, nghĩa xấu.

Những năm gần đây, báo chí đăng tải nhiều phương cách đối phó thật lạ lùng, mà đầu óc con người có thể nghĩ ra. Đối phó với việc đền bù giá thấp, người dân một tỉnh miền Trung đã lấy sơn vẽ lung tung những hình trang trí lòe loẹt trên tường, để được đền bù với giá cao hơn. Đối phó với việc thanh tra, không ít cán bộ các cấp đã tìm mọi cách tiêu huỷ hồ sơ, thậm chí đốt cả văn phòng, đốt cả cơ quan. Đối phó với ngành thuế vụ, các doanh nghiệp sẵn sàng lập hai hệ thống sổ sách chứng từ kế toán. Đối phó với người tố giác tiêu cực, lãnh đạo không ngần ngại trù dập, thậm chí hành xử theo luật giang hồ. Cũng có khi Nhà nước và nhân dân tìm cách đối phó với nhau, chẳng hạn như, Nhà nước bất lực trước tình trạng ùn tắc giao thông đã đối phó bằng cách cấm đăng ký xe gắn máy, và nhân dân đối phó lại bằng cách luồn: về tỉnh đăng ký rồi chạy lên thành phố, vô tư sử dụng, v.v. và v.v. Có thể nói, hễ có một quy định đưa ra là lại kéo theo một biện pháp đối phó thiếu minh bạch.
Nguyên nhân dẫn đến hành vi đối phó. Nguyên nhân đầu tiên là những quy tắc pháp luật chưa hoàn thiện, còn nhiều khe hở để cả trên lẫn dưới rủ nhau cùng luồn, đồng thời, trước những rối rắm của cuộc sống đang ào ào chuyển mình, chúng ta chưa tìm được biện pháp khả thi, thường thì chưa lần tới cái gốc để giải quyết triệt để vấn đề, mà chỉ muốn đi tắt bằng cách ngắt ngọn. Tuy nhiên theo tôi, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thói quen đối phó một cách không trong sáng, chính là vấn đề đạo đức xã hội đang từng bước bị xói mòn, từ đó tác động trực tiếp đến con người, khiến con người, muốn tồn tại, càng ngày càng thiếu trung thực, và trong lúc pháp luật chưa có các biện pháp chế tài thật sự công bằng và hợp lý, thì con người, bằng mọi giá, càng ngày càng, bất chấp thủ đoạn, tung hoành, tìm cách đối phó, để vun vén cho lợi ích cá nhân.

Tác hại của hành vi đối phó. Trong môi trường sống mà óc sáng kiến cần phải và cũng luôn có cơ hội đẻ ra muôn vàn mẹo vặt, bất chính, thì chúng ta, một cách tiệm tiến và vô thức, mỗi lúc một sống thiếu tình người, một giả trá, dối trên, lừa dưới, và hèn dần đi, từ đó xã hội phút chốc trở thành một thứ vũ hội hoá trang, mà ở đấy chiếc mặt nạ nào nhìn bề ngoài cũng tưởng lầm là đẹp, mà người nào cũng đáng được tuyên dương, đáng được lĩnh giấy khen. Hơn nữa, trong môi trường luôn luôn đòi hỏi phải gằm ghè toan tính, thủ thế, căng thẳng, con người, một khi gặp dịp, dễ trở nên tàn bạo, bất nhân đối với kẻ… yếu hơn, rồi cứ thế diễn ra cảnh cá lớn nuốt cá bé, thượng đội, hạ đạp, rồi cứ thế diễn ra cảnh chèn ép, trù dập, huỷ diệt lẫn nhau. Chúng ta từng thấy nhiều người trong đời thường rất hiền lành, hoà nhã, nhưng một khi đã vào guồng, cũng sẵn sàng xuống tay tàn độc. Chẳng lẽ cuộc sống lại đáng buồn thế sao?

Lướt qua phạm vi giáo dục, gần đây đã có nhiều chị đạo nhằm chấn chỉnh các tệ nạn, nhưng cũng chính vì thế mà hành vi đối phó lại được dịp biến hoá và xuất hiện tràn lan. Nếu không được chặn đứng, nó thực sự là một nguy cơ đối với chặng đường phát triển bền vững của đất nước.

Đứng trước chỉ thị cấm lạm thu, ban giám hiệu một số trường đã dùng Hội Phụ huynh như một cánh tay nối dài, để đối phó với sở, bộ và các bậc cha mẹ, nhằm hợp thức hoá những khoản thu phi pháp, dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện (xem bài “Nóng” v/đ ban Đại diện phụ huynh, báo Người Lao Động 23.10.2007), hoặc sẵn sàng đặt sở, bộ trước những sự việc đã rồi (cụ thể vụ 18 trường ở Đà Lạt). Để đạt thành tích, có hiệu trưởng, giáo viên sẵn sàng đối phó bằng cách sửa điểm kiểm tra (trường hợp bà Trần Thị Thu Hà trường PTCS Liên Đầm, Lâm Đồng) . Để đạt thành tích trong kỳ thi tốt nghiệp, thay vì học thật, nhiều trường đã đối phó bằng cách học tủ, học vẹt, bắt chấp hậu qủa của biện pháp phản giáo dục này. Để đối phó với việc lên lớp, một số thầy cô đã thản nhiên đi chợ giáo án, hoặc phô tô tài liệu có sẵn của các bậc đàn anh (xem Vietnamnet 8, 10, 12.10.2007). Để đối phó với học sinh phá phách, một vài thầy cô né tránh không trực tiếp đánh đòn, mà cho bạn bè tát nhau. Để đối phó với việc kiểm tra, nhiều học sinh tích cực quay cóp một cách khéo léo, từ đó tạo ra những lỗ hổng kiến thức. Để đối phó với việc cấm đi xe phân khối lớn, nhiều học sinh gửi xe chỗ khác, rồi đi bộ tới trường, v.v. và v.v.

Điều đáng lưu ý là hầu như tất cả các cố gắng hiện nay của ngành giáo dục mới chỉ xoay quanh vấn đề chất lượng, mà thả nổi, hoặc chưa có biện pháp hữu hiệu để xoáy vào công tác đào tạo những lớp người có phẩm chất đạo đức. Thật ra, trong giáo dục, cung cấp kiến thức thực tiễn, để áp dụng trong mọi phạm vi hoạt động, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, là cần, nhưng rèn luyện chất người cũng là điều là quan trọng không kém, đặc biệt trong giai đoạn đạo đức xã hội đang xuống cấp thấy rõ hiện nay.

Nên nhớ rằng, một đất nước có số học sinh thi đỗ tốt nghiệp cao, có một đội ngũ đông đảo kỹ sư, các nhà khoa học, chưa hẳn là một nước có nhiểu nhân tài, một cơ quan có nhiều cán bộ đạt trình độ đại học và trên đại học chưa hẳn là một cơ quan có nhiều người giỏi, thực sự hữu dụng, một khi thành qủa đạt được phần lớn dựa và thủ đoạn đối phó, và như thế cũng chẳng có gì đáng để khoe khoang, hãnh diện với bè bạn năm châu.

Lại cũng nên nhớ rằng, vấn đề nhân sự quyết định thành công mọi chính sách, nếu chúng ta chỉ đào tạo được những con người, những thế hệ có nhiều thủ pháp đối phó, thì mong gì đưa đất nước đi lên.

Sự kiện Chosun- Nghĩ về tình tự dân tộc

Vũ Lưu Xuân

Bài được viết ngày 17.5.2006, nhưng buồn thay, có lẽ năm bảy năm nữa vẫn mang đậm chất thời sự.

Sự kiện bài viết có ảnh minh họa trên báo Chosun (21.4.2006) đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ. Báo chí lên tiếng, dân chúng lên tiếng, đoàn thể lên tiếng, cả chính quyền đôi bên cũng lên tiếng. Đó là việc làm hoàn toàn chính đáng, vì nó đụng chạm đến thứ tình cảm thiêng liêng: lòng Tự ái dân tộc. Dù còn nghèo, nhưng nhân dân Việt Nam không thể để cho người nước khác, dù là một số nhỏ, vô tình hoặc cố ý xúc phạm đến nhân phẩm, cụ thể là phụ nữ, đồng hóa họ với món hàng có thể ngã giá bằng tiền.

Nhưng tôi vẫn băn khoăn: phẫn nộ vì Tự ái bị tổn thương tuy chính đáng, nhưng hình như chưa đủ, hình như có cái gì đó phải được nhìn sâu hơn, đẩy xa hơn, giải quyết triệt để hơn. Và vấn đề được đặt ra:

Theo tôi, Tự áiTự trọng là hai mặt của tình tự dân tộc. Tự ái là mặt tiêu cực, thụ động, nó chỉ bừng bừng nổi lên mãnh liệt khi bị tổn thương. Còn Tự trọng, thậm chí Tự tôn , ở mức độ cao hơn, là mặt tích cực, chủ động, nó khiến người dân một nước nỗ lực chỗi dậy trong cảnh tối tăm, và chỗi dậy sau mỗi lần ngã xuống, từ đó không tạo cho đối phương bất cứ cơ hội nào có thể xúc phạm đến dân tộc mình. Muốn được người trọng, trước hết phải biết trọng chính mình.

Đọc báo Chosun, nhiều người đã ray rứt, mất ngủ cả đêm, có thể là hai ba đêm, điều đó cần, chứng tỏ chúng ta chưa chai sạn đến mức vô cảm, nhưng chưa đủ, chúng ta buộc phải mất ngủ hàng ngàn đêm, thậm chí hơn nữa, cho tới khi cái nguyên nhân tạo nên điều ô nhục được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân đó là gì? Luận án thạc sĩ của ông Hà Minh Thành Nghiên cứu về vấn đề kết hôn với người nước ngoài giữa Việt Nam và Hàn quốc đề cập tới ba loại: “Korean dream”, “lý do kinh tế” và “tác động của trào lưu văn hóa Hàn Quốc”. Tôi tự hỏi: tại sao có “Korean dream”, mà không có “Việt dream”? Tại sao “tác động của trào lưu văn hóa Hàn Quốc” đối với chúng ta lại mạnh đến thế? Thêm nữa, một đất nước tiếp thu thụ động văn hóa nước ngoài, tất phải có một lỗ hổng văn hóa, đây cũng là vấn đề cần đem ra bàn. Nhưng nguyên nhân khiến tôi chú ý nhiều nhất, đó là “lý do kinh tế”, rõ hơn: sự đói nghèo - vấn đề xã hội. Xin lưu ý một điều quan trọng: sau cái đêm mất ngủ vì sốc, nếu chúng ta chẳng làm gì, hoặc chỉ làm chiếu lệ, thì cuối cùng cũng chỉ là thứ Tự ái theo kiểu phong trào, đi kèm với lòng yêu nước theo kiểu phong trào.

Tôi nhớ không rõ lắm, cũng thời gian này năm ngoái, vụ các cô gái Việt Nam bị trưng trong tủ kính để chào hàng ở Singapore, đã khiến chúng ta cực kỳ phẫn nộ, và trước nữa, khoảng chục năm cho đến tận bây giờ, làn sóng lấy chồng Đài Loan tại các tỉnh miền Tây, cũng đã được đặt thành vấn đề một cách nghiêm túc. Nhưng từ đó đến nay, hơn chục năm rồi, cái gốc xã hội của vấn đề đã được giải quyết tới đâu, chúng ta có quyền nghi ngờ tác dụng của một vài đêm mất ngủ vì sốc, và cũng có quyền nghi ngờ thứ Tự ái theo kiểu phong trào. Những phản ứng không đi kèm với việc làm tích cực, thực chất có đem lại kết qủa nào không?

Tôi vẫn tự hỏi, nước Nhật sau Thế chiến thứ hai đã làm gì để ngày nay có thể tự hào đến thế? Tôi không phải là nhà sử học, nên không nghiên cứu kỹ nguyên nhân. Tôi chỉ mơ hồ biết rằng nước Nhật cũng đã phải vay tín dụng nước ngoài, dân Nhật cũng đã chịu nhiều điều tủi nhục, nhưng hình như họ không chỉ la lớn lên để thể hiện sự phẫn nộ, mà quan trọng hơn, bên cạnh những quyết sách thích hợp, họ còn biết cúi đầu cắn răng, nuốt hận, cùng nhau một lòng, thắt lưng buộc bụng, xây dựng đất nước, để bây giờ con cháu họ có thể ngẩng cao đầu nhìn khắp năm châu. Người Nhật hình như không chỉ biết tự ái vặt, mà hơn thế nữa, họ biết tự lực, tự cường, tự trọng và tự tôn. Và khả năng của người lãnh đạo tập trung được ý chí của toàn dân, cũng là điều rất đáng quan tâm.

Tôi thích la cà quán xá cấp thấp, để gặp gỡ những mảnh đời. Tôi đã gặp các thiếu nữ mà lớp phấn son với chiếc áo hai giây chưa thể che hết nét ngây thơ, pha lẫn cay đắng của một thiếu nữ chân quê ngượng ngùng, lòng đầy mặc cảm. Tôi đã được nghe những lời tâm sự, những ước mơ rất thật: một mái nhà, một người chồng biết yêu thương với một vài đứa con. Họ muốn được đi chợ, làm bếp, giặt giũ áo quần, thay vì bẹo hình, bẹo dạng trước những bộ mặt nham nhở, cái duy nhất bộ mặt ấy có là tiền kèm cặp mắt thấp hèn, và thêm nữa, chẳng bao giờ các cô gái ấy còn phải ấp úng gọi những người đáng tuổi ông nội bằng anh, những ước mơ thật tầm thường mà lại qúa đỗi xa vời. Tôi đã được xem những tấm ảnh gia đình, nằm trang trọng giữa cuốn album bèo nhèo, theo chân cô gái trong từng bước phiêu lưu, ở đó, tôi thấy những người nông dân còm cõi, những đứa trẻ nhếch nhác đứng trước căn nhà lụp xụp, đúng hơn là một cái chòi. “Ba cháu đó, còn đây là con Tư, thằng Út”, những đứa bé thuộc diện phổ cập tiểu học, thậm chí trung học mà vẫn không biết chữ. Tôi biết có cô gái không thể kiếm nổi 300.000 để giải quyết vấn đề sinh tử, nên đã nhắm mắt đưa chân, hoặc vay nợ giang hồ, rồi cũng nhắm mắt đưa chân. Tôi biết có cô gái, sau khi khám phá ra thành phố không phải là nơi dễ kiếm chút đỉnh tiền còm, phụ giúp gia đình, lại càng không phải là cõi thiên đường, nhưng đã không kiếm đủ số tiền nho nhỏ, mua vé trở về quê, yên phận. Từ nạn nhân, phút chốc họ có thể biến thành tội nhân, nhưng trước hết họ là con em ta đó. Buồn thay, chỉ cần bớt đi một Bùi Tiến Dũng, là hàng chục ngàn cô gái có thể thoát kiếp long đong, nhưng chẳng biết Bùi Tiến Dũng có bao nhiêu anh em ruột thịt ở đất nước này. Tôi thấy mình bất lực giữa trùng trùng cảnh ngộ, và rất kinh hãi những tay đạo đức giáo điều, kinh viện, có khối óc mà không có trái tim, thậm chí khối óc chỉ nhỏ bằng hạt đậu, nhưng cũng chẳng biết dùng để làm gì, trong khi những lời kết tội thuộc lòng lại luôn luôn thập thò ở cửa miệng đã được bôi trơn. Chúng ta đang mòn dần đi, rồi chết ngộp trong một thế giới giả hình.

Từ hình ảnh 11 cô gái đang hồi hộp với ước mơ thoát khỏi cái nghèo trên báo Chosun, những cô gái tuy biết, nhưng vẫn cắn răng dấn mình vào cuộc phiêu lưu, trong nhờ đục chịu, mà đục chắc hẳn đến chín chục phần trăm, tôi chợt nhớ đến hình ảnh các ông bố giấu bom tấn trong gầm giường, để cưa lấy đồng và thuốc nổ. Họ đâu ngu đến nỗi không biết mối nguy hiểm đang rình rập vợ con, nhưng ở đời không gì tệ hơn cái đói. Xin đừng vội kết án một khi chưa chỉ cho họ lối thoát khả thi.

Chúng ta tự ru ngủ mình về mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người cao ngất ngưởng, trên 8%, vậy tại sao Việt Nam vẫn bị xếp vào hàng ngũ các nước nghèo? Thực chất là bao nhiêu phần trăm dân chúng được hưởng tỷ lệ tăng trưởng nêu trên? Còn bao nhiêu phần trăm đang phát triển theo hướng âm? Tức là tiền bạc mất trắng, còn cõng thêm một gánh nợ nần. Trước mắt chúng ta vẫn có những nông dân phải bán sạch tài sản trả nợ ngân hàng, vì trót tham gia vào những kế hoạch thi đua “chuyển đổi” thiếu một tầm nhìn, thậm chí thiếu cả cái tâm trong sáng, những kế hoạch phần nào đó chỉ nhắm mục đích đóng thêm cái chân thứ năm cho chiếc ghế chỉ chực lung lay.

Nhìn vấn đề tới tận cội nguồn nhiều khi khiến ta lạnh gáy, lạnh gáy mà vẫn phải nhìn, vì con người không thể là giống đà điểu giấu đầu trong cát. Viết tới đây, tôi chợt nhớ đến một án lệ thời Tự Đức. Ông bố bị bỏ rơi, đói ăn, tới trộm khoai mì tại vườn nhà chính đứa con ruột. Thằng con mất trộm nhiều lần, cố công rình bắt. Một đêm tối, vớ được gã ăn trộm trong vườn, vì không biết đó là bố mình, thằng con vác hèo đập chết. Quan án xử theo tội ngộ sát, Tự Đức duyệt án, giáng chức viên quan, đồng thời ghép thằng con tội bất hiếu, không phụng dưỡng cha già, để đến nỗi cha trở thành tên trộm. Tôi yêu tính triệt để và chất nhân bản của Tự Đức, ông vua phong kiến mà công, tội vẫn chưa được phán xét rạch ròi.

Giá có một ngày nào đó, các cô gái mơ chuyện lấy chồng xa xứ, các cô gái hớt tóc, cà phê, lòng đầy mặc cảm và rất dễ buông xuôi, có thể thực hiện được ước mơ giặt giũ, thổi cơm, thanh thản chờ người đàn ông thân yêu đi làm về, chờ những đứa con ngoan ngoãn đi học về, ngày ấy những người có lương tri mới có thể ngủ yên, khỏi giật mình vì những cú sốc, khỏi nổi giận đùng đùng vì tự ái nhất thời bị tổn thương. Đó là ngày những vấn đề xã hội nhức nhối đã được giải quyết ổn thỏa.

Wednesday, October 17, 2007

Sáng tạo, một đòi hỏi của giáo dục

Vũ Lưu Xuân

Trong đời thường, tất cả chúng ta đều không ít lần phải đối mặt với những tình huống chưa hề được dự liệu trước, và giải pháp đôi khi lại nằm ngoài kiến thức sách vở, nằm ngoài những kinh nghiệm đã tích lũy sau nhiều năm. Gặp trường hợp đó, óc sáng tạo giúp đưa ra một lối thoát khả thi. Như vậy, óc sáng tạo là phẩm tính tối cần cho cuộc sống, nó giống một vũ khí xung phá, giúp chúng ta vượt khỏi bế tắc, để vươn tới thành công.

Viết bài này, tôi không nhìn óc sáng tạo dưới góc độ thần thoại, coi nó như thuộc tính đặc hữu của Thượng đế và thần linh, đã được á thần Prometheus đánh cắp và ban cho loài người. Tôi cũng không nhìn nó dưới góc độ triết học theo kiểu Sigmund Freud, khi ông bàn về phạm trù sáng tạo trong nghệ thuật, coi như một biện pháp nhằm thoả mãn ước muốn đơn thuần, và là một cách thế thoát ly thực tại. Nói chung những góc nhìn này mặc nhiên biến sáng tạo thành một thực thể cao siêu, phức tạp và ghê gớm lắm.

Ở đây, chúng ta chỉ nhìn óc sáng tạo dưới dạng một kỹ năng tuy ưu việt, nhưng phổ quát, tức mọi người, tùy mức độ, đều có, và đều có thể rèn luyện, nâng cao, một khi biết khai mở cho nó đường dẫn để nẩy mầm, lớn lên. Và như thế, nhà trường, trong chiều hướng phát triển con người toàn diện, không thể chối từ bổn phận rèn luyện óc sáng tạo cho học sinh, qua đó cung cấp cho họ một hành trang thiết yếu để vào đời, để ứng phó, và để khỏi vấp ngã một cách đáng tiếc vì căn bệnh ấu trĩ.

Xin nói loanh quanh một chút. Người Việt chúng ta thông minh thì có thừa, nhưng óc sáng tạo thì lại thiếu, đó là hậu quả tất yếu của tình trạng nô lệ tệ hại về mặt tinh thần, của nền giáo dục nhai văn nhá chữ từ ngàn năm. Việc đề cao đức tính kẻ hậu học theo thầy hàm chứa một mặc cảm tự ti, hàm chứa một thói quen bước đi trong lối mòn, khước từ cách nhìn mới, sáng tạo, và như thế, chúng ta suốt đời chỉ có thể làm đứa học trò chăm, ngoan của người ta. Việc xây dựng một quan niệm khập khiễng về kẻ sĩ theo hình mẫu Trung Hoa; việc cớm nắng dưới cái bóng quá lớn của Đức Phu Tử, khiến chúng ta mất đứt một nghìn năm ngụp lặn trong vũng tù đọng của tri thức. Hậu quả là, suốt chiều dài lịch sử thời phong kiến, những nhà tư tưởng thực sự lớn, cụ thể như Chu Văn An, Lê Quý Đôn, đặc biệt là Nguyễn Trường Tộ, chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Một nghìn năm trước là thế. Còn bây giờ? Xin trở lại vấn đề sáng tạo trong giáo dục.

1. Sáng tạo, phác họa một cách nhìn

Xin lưu ý điểm xuất phát của sáng tạo:

Sáng tạo xuất phát từ nhu cầu: nhu cầu hiểu biết, nhu cầu mưu sinh thoát hiểm. Nhu cầu kích thích trí tò mò, từ đó khám phá ra những cái mới cung ứng cho cuộc sống mỗi ngày một nâng cao, từ đó tìm ra biện pháp mới giải quyết mớ bòng bong của đời thường. Làm thui chột óc sáng tạo là mặc nhiên giết chết tính tò mò khoa học, là mặc nhiên biến cuộc đời thành tẻ nhạt, nhàm chán.

Một số đặc tính của sáng tạo:

-Sáng tạo là một thuộc tính đặc biệt của con người, giúp chúng ta vượt lên trên tất cả các loài động vật hạng hai, tuy nhiên nó không phải là khả năng thiên bẩm, dành riêng cho một số ít cá nhân ưu tú, mà là một tập tính có thể rèn luyện được.

-Sáng tạo là thoát ra khỏi lối mòn, là phá vỡ những cái hiện có nhưng đã lỗi thời, không đáp ứng được những chuyển biến mới phong phú hơn, từ đó đưa ra một cái nhìn mới phi truyền thống, chẳng hạn đánh giá lại một đề tài văn học.

-Sáng tạo là tìm ra một phương án mới, một cách giải quyết mới, cho một bài toán chẳng hạn.

-Sáng tạo không đến từ hư vô, mà là sự phối hợp mới của những yếu tố cũ, tức kiến thức thủ đắc, kế thừa, như vậy người càng tính lũy được nhiều yếu tố cũ, càng có cơ may nhiều hơn trong việc sáng tạo ra cái mới.

Điều kiện của sáng tạo:

Tư tưởng chỉ có thể vùng vẫy, phát triển khi có một khoảng trống trước mặt, và điều kiện tiên quyết của sáng tạo là tự do. Một khi đã quan niệm rằng chỉ có ta là duy nhất đúng, tuyệt đối đúng, thì đã mặc nhiên khép lại một chiều của tư duy, vì ở đó có một ranh giới không cần vượt qua và cũng không được phép vượt qua.

-Óc sáng tạo đồng hành với lòng can đảm, và ước muốn thoát ra khỏi sáo mòn. Người có óc sáng tạo không sợ bị phản bác, bị trù dập, bị điểm xấu, bị đánh rớt chẳng hạn.

-Óc sáng tạo phát triển từ thói quen suy luận, thói quen đặt vấn đề, và tìm ra giải pháp, nó không đồng hành với tính lười biếng và ỷ lại, há miệng chờ mớm cơm. Người có óc sáng tạo không cam tâm đưa tay cho người khác dắt như một đứa trẻ chung thân vị thành niên.

2. Quy chiếu về nền giáo dục hiện hành.

Kể từ khi ông Nguyễn Thiện Nhân lên nắm Bộ GD&ĐT, chúng ta thực sự đã có nhiều tín hiệu đáng mừng. Đối với một nền giáo dục mà đụng bất cứ cái gì cũng thấy rối tung lên, thì việc tháo gỡ từng mảng, từng phần là biện pháp cải cách hợp lý và khoa học. Tuy nhiên di sản nặng nề của những sai lầm quá khứ hàng chục năm, không thể đòi hỏi cải thiện trong một sớm một chiều, có lẽ vì thế, chúng ta thấy vẫn còn nhiều điều buộc phải suy nghĩ.

Tuy không cổ võ tinh thần tự do vô điều kiện, nhưng trong nền giáo dục hiện hành, chúng ta thấy vẫn còn tồn tại rất nhiều điều không thể hiểu được:

-Về sách giáo khoa. Sách giáo khoa được minh nhiên hay mặc nhiên coi là pháp lệnh. Nhưng một khi đã coi sách giáo khoa là pháp lệnh, mà cả thầy lẫn trò đều phải tuyệt đối phục tùng, kể cả khi sách giáo khoa còn bộc lộ sai sót, thì chúng ta đã bắt đầu đi vào con đường một chiều của tư duy, cho dù con đường đó rộng hay hẹp. Có lẽ chỉ nên coi sách giáo khoa như pháp lệnh, một khi trình độ của cả thầy lẫn trò còn thấp, chưa kịp trưởng thành, đặc biệt khi người thầy còn yếu về trình độ và nông về kiến thức, phải mượn sách giáo khoa làm chỗ dựa duy nhất để tự trấn an. Cần thấy rằng sách giáo khoa chỉ là phương tiện khai mở kiến thức, nên không thể hạn chế tri thức và tư duy. Thói quen vâng phục tất yếu đẻ ra mặc cảm tự ti. Và mặc cảm tự ti tất yếu đẻ ra tính lười biếng về mặt tinh thần.

-Về cách chấm bài, đặc biệt là bộ môn khoa học xã hội, trong đó có văn. Tôi đã bỏ nghề dạy học cách đây đúng 26 năm, bởi thế có những góc khuất không nắm hết, hoặc hiểu sai, nhưng có một người bạn chấm tuyển sinh đại học cách đây ít năm cho biết: việc chấm văn bây giờ rất chặt chẽ và khoa học, với thang điểm chi ly, chỉ cần đầy đủ các ý là sẽ được điểm cao. Nếu lời nói đó phản ánh trung thực cách chấm điểm môn văn hiện thời thì quả thật đáng buồn. Tại sao lại thế nhỉ? Tại sao một bài văn lại bắt buộc phải đầy đủ ý này, ý kia, mà không thể có ý khác. Phải chăng chúng ta đang cố gắng đào tạo nhân tài theo kiểu dây chuyền, trăm hoa đều nở ra cúc vạn thọ. Chấm thi kiểu ấy, mà lại đòi học sinh phải có tư duy độc lập và sáng tạo, thì quả thật là không tưởng..

-Về cách giảng dạy: Mấy năm gần đây, chúng ta luôn hô to những khẩu hiệu đả phá lối học tủ, học vẹt. Đúng đó, học tủ, học vẹt hủy hoại sức sáng tạo, giết chết tự do tư duy, gây ra không khí nhàm chán, khiến học sinh không còn coi việc học như một thú vui bổ ích. Trong phạm vi học đường, truyền thụ kiến thức là ưu tiên hàng đầu, nhưng cần mà chưa đủ, chúng ta còn phải huấn luyện khả năng tự học, tự vận dụng tri thức, và phương pháp tư duy đối với từng bộ môn, đó là cái hữu dụng còn đọng lại, sẽ theo chúng ta đến hết cuộc đời, sau khi những kiến thức cụ thể, nếu không có cơ hội sử dụng, sẽ dần dần rơi rớt với tháng năm. Nếu chỉ dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức theo kiểu học nhồi, học vẹt, tức là chúng ta đang dừng lại ở mức huấn luyện động vật cấp hai trong một gánh xiếc. Với cách học học tủ, học vẹt, óc sáng tạo của học sinh đã thực sự bị trói và mòn dần đi. Có điều, với cách dạy, cách học đã trở thành nếp quen từ nhiều năm qua, nhà trường hình như chưa tìm được biện pháp khả thi hơn, giúp học sinh đậu tốt nghiệp với số lượng cao. Ước muốn có nhiều học sinh đậu là một ước muốn chính đáng đối với nhà trường và mọi phụ huynh, nhưng từ ước muốn chính đáng, chúng ta không ngại dùng mọi thủ thuật thì cái giá phải trả là quá đắt. Với những thủ thuật phần lớn phản giáo dục đó, về mặt tri thức, chúng ta chỉ có thể tạo ra những thế hệ học sinh, trừ trường hợp ngoại lệ, đa phần chỉ vật vờ như cái bóng của sách vở, của ông thầy, chẳng thể vận dụng kiến thức một cách hiệu quả vào những tình huống không phải lúc nào cũng cố định trong đời thường.

Một khi thấy được tầm quan trọng của óc sáng tạo trong việc phát triển con người, phát triển đất nước, chúng ta mong rằng các nhà giáo dục, đặc biệt là giới có thẩm quyền, có được một sách lược khoa học và dài hơi, để tạo ra những thế hệ thanh niên Việt Nam không chỉ nổi tiếng thông minh, cần cù.

Monday, October 1, 2007

Trò đánh giá thầy, một thử thách bước đầu

Vũ Lưu Xuân

Cải cách giáo dục đặt ra cho tất cả chúng ta nhiều vấn đề để suy nghĩ, từ tầm vĩ mô của chính sách, tới tầm vi mô của những biện pháp thi hành. Và một vấn đề đã được Lm GB. Huỳnh Công Minh nêu lên, dưới hình thức thư ngỏ, trên Tuần san CG&DT số 1625: Trò đánh giá thầy, một chủ trương không xa lạ đối với nhiều nước trên thế giới, nhưng đối với chúng ta lại là một thử nghiệm bước đầu. Nay xin được tiếp lời.

Trò đánh giá thầy là biện pháp nhằm phát huy dân chủ trong học đường. Tạo cho người đi học tâm lý trưởng thành và không cam tâm thụ động lãnh nhận kiến thức theo kiểu há miệng chờ mớm cơm. Mặt khác, rất quan trọng, nó đặt người dạy trong tư thế luôn phải sẵn sàng tự cải thiện mình, cả về kiến thức lẫn tư cách đạo đức, một điều vô cùng cần thiết với mọi người thầy, trước những đòi hỏi mỗi lúc một cao hơn. Đặc biệt trong giai đoạn này, khi mà nền giáo dục đại học của chúng ta đã bị thế giới bỏ lại khá xa, thì mọi biện pháp khả thi nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy đều được hoan nghênh.

Nhưng đã gọi là Dân chủ, chúng ta phải xác định rõ ràng ranh giới giữa hai lứa tuổi: Thành niên, tương đương lứa tuổi của một sinh viên đại học, tuổi được coi là đã đủ trình độ và khả năng hành xử như một chủ thể tự do, có ý thức và sẵn sàng lãnh trách nhiệm về hành vi của mình, ở đây hiểu là đánh giá thầy, từ đó có một tiếng nói riêng để phát biểu, một cái nhìn độc lập để khẳng định, và một tinh thần trách nhiệm đối với lợi ích của cộng đồng. Vị thành niên, tức lứa tuổi học sinh trung học, tuổi mà những phê phán, đánh giá, cho dù có nghiêm túc chăng nữa, vẫn còn phần nào hạn chế về tầm nhìn và ít nhiều chủ quan, do đó mức độ chính xác của đánh giá là vấn đề cần xét lại.

1. Đối với sinh viên, những người được coi là đã trưởng thành, việc đánh giá thầy một cách nghiêm túc, là chủ trương đáng phát huy, nếu việc đánh giá đó thực sự mang lại kết quả tích cực, tức cải thiện môi trường học tập hiện còn nhiều vướng mắc, cả về chương trình, cơ chế lẫn nhân sự. Và như vậy việc đánh giá thầy có thể coi như một trong những biện pháp sàng lọc hiệu quả, để cuối cùng chúng ta có một đội ngũ giảng dạy đầy đủ khả năng, được đào tạo bài bản, thay vì những thầy cô giáo đào tạo theo kiểu đi ngang về tắt, tiến thân bằng con đường quanh co.

Nhưng để chủ trương này đạt hiệu quả, điều kiện tiên quyết phải có: thói quen dân chủ của cả trò lẫn thầy, mà điều này hình như chúng ta còn thiếu hoặc còn yếu. Yếu vì, trước khi là sinh viên, suốt sáu năm trung học, đặc biệt là ba năm cấp ba, con em chúng ta, nạn nhân của lối giáo dục thiên về hình thức chủ nghĩa, đa phần chỉ thụ động tiếp thu theo kiểu nhồi nhét, đối phó, thiếu tư duy độc lập. Do đó, điều đáng buồn, về mặt tri thức, đa phần con em chúng ta thật ra mới là phiên bản của các ông thầy, chưa bao giờ thực sự là chính mình.

Yếu vì, về phía các ông thầy, chúng ta buộc phải nhìn nhận một thành phần nào đó, không hề coi giáo dục như một thiên chức, đòi hỏi sự rèn luyện và trau dồi, đồng thời, vì tự ái hão, vẫn loanh quanh, chưa đủ dũng khí nhìn thẳng vào khiếm khuyết của mình, từ đó sẵn sàng tiếp thu các đóng góp tích cực, và sẵn sàng tự cải thiện mà không chút mặc cảm. Tệ hơn, nhiều vị trong số đó còn, bằng mọi giá, đặt sinh mệnh chính trị, tức ghế lớn ghế nhỏ, mâm cao mâm thấp, lên trên sự liêm khiết trí thức.

Nhưng vượt lên tất cả, vấn đề cực kỳ quan trọng là: sau đánh giá ấy, nếu được coi là chính xác và xây dựng, thì những tiêu cực, những sai lầm hiển nhiên đó có được cấp trên, gồm thầy, ban giám hiệu, và cả bộ, sở, ban tiếp thu, sửa đổi một cách nghiêm túc hay không? Hay tình trạng tiêu cực, ở đây được hiểu là ông thầy thiếu năng lực và tư cách, vẫn tồn tại một cách ngạo nghễ, và các ý kiến xây dựng, phê phán bị rơi vào khoảng trống im lặng đáng sợ, vì nhiều nguyên nhân, có thể là do vướng trên vướng dưới (chữ của cựu TT Phan Văn Khải), một thực tế vẫn thường gặp, hoặc do tinh thần ù lỳ, cung cách bàn giấy (bureaucratie), căn tính quen thuộc ở một số giới chức có thẩm quyền, chỉ muốn yên thân. Lấy ý kiến đánh giá, một biểu hiện dân chủ, rồi để đấy, xếp xó, thì việc trò đánh giá thầy sẽ trở thành một trò chơi vô bổ, xa xỉ và lãng phí thời gian. Tệ hơn, tất yếu sẽ tạo cho giới trẻ cảm tưởng về một thứ bệnh làm dáng dân chủ, hoặc nói nặng hơn là dân chủ giả hiệu, làm xói mòn niềm tin của giới trẻ, lẽ ra phải có, đối với người có trách nhiệm. Theo tôi, vướng mắc lớn nhất, cái khó lớn nhất trong việc cải cách giáo dục nằm ở vấn đề nhân sự. Khó vì cho dù chúng ta không thiếu nhân tài, nhưng lại khan hiếm người tài được trọng dụng, giữa lúc thừa thãi người bất tài được đặt vào ghế cao, vì những lý do hoàn toàn riêng tư. Khó vì một cơ chế quản lý rối bời, người đầu ngành không có quyền xử lý hành chánh theo hệ thống chiều dọc, mà lệ thuộc vào hệ thống hàng ngang, bởi thế thấy sai đó, mà đành bó tay. Viết tới đây, tôi chợt nhớ tới câu nói bất hủ, vừa hài hước, vừa cay đắng của cựu thủ tướng Phan Văn Khải: trên bảo dưới không nghe. Trên bảo còn như thế, huống hồ là… Tiếc rằng, đôi lúc chúng ta đã hành xử dân chủ không ra dân chủ, phong kiến không ra phong kiến, cái gì cũng muốn, nhưng cái gì cũng nửa vời.

2. Đối với học sinh, những đối tượng vị thành niên, chưa thực sự hình thành một nhân cách độc lập, thì việc trò đánh giá thầy, nếu được áp dụng, sẽ đặt nền giáo dục của chúng ta trước nhiều nguy cơ. Nguy cơ trước mắt là, một khi việc đánh giá chưa được hiểu một cách đúng đắn, sẽ làm xói mòn tinh thần Tôn sư trọng đạo vốn được các dân tộc Đông phương, thiên về lễ nghĩa đề cao, từ đó tạo cho học sinh tâm lý khinh nhờn, ảo tưởng về tầm quan trọng không thực sự có của mình. Cạnh đó nếu việc đánh giá không đủ chính xác, có thể làm xói mòn nhiệt tình và lòng yêu nghề của những thầy cô, trong trường hợp bị chính học trò của mình hiểu sai. Vậy mà vào khoảng thập niên 80, 90 ở Thành phố, việc trò đánh giá thầy, thậm chí cho điểm thầy, nhằm mục đích nào đó, có thể bên ngoài giáo dục, đã được ban giám hiệu, hình như rất ít chuyên về giáo dục, ở một vài trường PTTH, đem ra thí nghiệm, từ đó tạo nên bầu không khí nặng nề và nghi kỵ trong nhà trường.

Toàn bộ phần trên được viết nhằm bàn về một nền giáo dục thuần túy, tức lấy việc đào tạo con người làm mục tiêu tối thượng. Riêng giáo dục đã bị thương mại hóa thì lại khác. Giáo dục thương mại hóa, nhằm mục tiêu lợi nhuận, biến chữ nghĩa thành một món hàng, với những chất lượng khác nhau, cao co, thấp có, đắt có, rẻ có, tiền nào của ấy, trong đó, thầy là người bán, còn trò là người mua. Như vậy, đối với hình mẫu giáo dục này, việc đòi hỏi quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, hiểu là trò đánh giá thầy, cho điểm thầy là điều không thể thiếu.

Nhìn chung, chủ trương trò đánh giá thầy – hay gọi một cách nào khác như Lm. GB. Huỳnh Công Minh đề nghị - chính là thử thách bước đầu cần phát huy. Thử thách giúp đánh giá khả năng thụ hưởng dân chủ của người dưới, khả năng hành xử dân chủ của người trên, và qua đó thấy được mức độ trưởng thành của nền giáo dục.