Thursday, November 1, 2007

GIÁO DỤC VÀ THƯƠNG MẠI


Vũ Lưu Xuân

1. GIÁO DỤC VÀ THƯƠNG MẠI

Giáo dục và Thương mại là hai hoạt động độc lập, nhưng tương tác, đồng tồn tại trong mọi hình thái xã hội tiến bộ. Ở một phạm vi nào đó, Giáo dục bổ sung cho thương mại, nó nghiên cứu hệ thống quy luật chi phối thương mại, và cung cấp những thành tố chuyên sâu, giúp cho thương mại hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên giữa Giáo dục và Thương mại có những điểm khác biệt rất rõ, và hầu như bất tương dung, cụ thể là về mặt mục tiêu.

a- Giáo dục. Mục tiêu hàng đầu của Giáo dục là đào tạo. Giáo là dạy dỗ, Dục là nuôi dưỡng, nhằm đào tạo những con người toàn diện về ba mặt Trí, Đức, Thể. Đối với việc dạy dỗ, truyền thống văn hóa Dân tộc chủ trương: Tiên học Lễ, hậu học Văn, như thế Đạo đức được đặt trên Tri thức một bậc. Trong Từ điển Bách khoa Việt Nam, mục từ Giáo dục đạo đức được định nghĩa là: “Bộ phận quan trọng có tính chất nền tảng của giáo dục, có nhiệm vụ rèn luyện lý tưởng, ý thức, thói quen, hình thành ở học sinh các phẩm chất đạo đức...” (Tập 2, trg 120). Xin đặc biệt lưu ý cụm từ tính chất nền tảng của giáo dục.

Với phương châm “Tiến Đức, Tu Nghiệp”, hệ thống Giáo dục một thời bị đánh giá là phong kiến, lạc hậu, đã cung cấp cho chúng ta quan niệm rất rõ về mục tiêu, nhiệm vụ của giáo dục. Nhắc đến cách dạy học của Khổng Tử, Nhan Hồi nói: “Phu tử tuần nhiên, thiện dụ nhân: "bác ngã dĩ văn, ước ngã dĩ lễ” (Phu tử cứ tuần tự khéo dạy dỗ người: lấy văn học làm rộng kiến thức của ta, lấy lễ nghĩa mà ước thúc hành vi của ta*) Ở đây, Văn học được hiểu là Tri thức nói chung. Trong hệ thống Giáo dục này, nhiệm vụ của ông thầy được coi là Thiên chức, tức là một chức vụ thiêng liêng, cao cả do Trời trao phó, qua đó chuẩn bị cho môn sinh vào đời, bằng cách lấy hành vi của mình làm chuẩn mực và dạy dỗ môn sinh cách đối nhân xử thế, đồng thời chuyển giao Tri thức cho các thế hệ đàn em. Giáo dục luôn có tính kế thừa và nâng cao. Chính vì ý thức vai trò cao cả của Giáo dục, nên đối với ba ngàn tử đệ, Khổng Tử tuyệt đối không đặt vấn đề lợi nhuận trong việc thu nhận môn sinh. Ngài từng nói với học trò: “Tự hành thúc tu dĩ thượng, ngô vị thường vô hối yên” (Từ người đem lễ bó nem trở lên, ta chưa từng không dạy ai vậy), hành vi đó hàm ý không thể coi Giáo dục như món hàng để bán. Qua phần trên, xin nhấn mạnh nguyên tắc: Giáo dục nhằm mục tiêu đào tạo, không nhằm mục tiêu lợi nhuận. Nếu có lợi, chắc hẳn không phải cái lợi vật chất trước mắt đem đến cho ông thầy, mà là cái lợi lâu dài của đất nước, từ đó mới có 4 chữ Lương sư hưng quốc. Chính vì thế, vị trí của ông thầy trong Tam cương còn cao hơn cha mẹ, người đã cho con hình hài. Dấn thân vào sự nghiệp Giáo dục, trước hết ông thầy phải quyết tâm thực hiện mục tiêu cao cả: trồng người. Đọc tới đây, chắc hẳn có bạn cho rằng tôi đòi hỏi quá đáng giữa thời buổi cơm áo, gạo tiền. Tuy nhiên, nếu chúng ta không thể là thánh nhân, thì ít nhất, chúng ta cũng không cam tâm biến mình thành tội nhân, tức lấy lợi nhuận qua việc bóc lột học sinh làm mục đích sống còn của cuộc đời.

b. Thương mại. Mục tiêu hàng đầu của Thương mại là lợi nhuận. Thương mại hiểu nôm na là hoạt động lưu thông hàng hoá, nhằm tạo ra lợi nhuận cho nhà buôn, từ chênh lệch giá thu của khách hàng. Hoạt động thương mại không ngoài mục đích làm giàu cho bản thân, bởi vậy người ta thường nói: Phi thương bất phú. Đào Duy Anh định nghĩa: bán hàng gọi là thương, mua hàng gọi là mãi (Hán Việt tự điển). Trong hoạt động Thương mại, vấn đề Đạo đức không được đặt ra. Khái niệm Thương trường như chiến trường nói lên tính chất phi đạo đức của hoạt động này. Do đó, người ta chỉ quan tâm tới Đạo đức học đường, mà không đề cập tới Đạo đức thương mại. Nếu tình trạng buôn gian bán lận bị lên án, thì sự vi phạm cùng lắm cũng chỉ thuộc phạm trù đạo đức xã hội, tức là những nguyên tắc cần để bảo đảm tính ổn định của đời sống cộng đồng.

2. THƯƠNG MẠI HOÁ GIÁO DỤC

Mấy năm gần đây, báo chí thường phản ánh bộ mặt phần nào lem luốc của ngành Giáo dục, phải kể tới những tệ nạn đến từ các cơ quan chức năng, từ giới lãnh đạo, nhưng chua xót hơn cả là những tệ nạn đến từ phía các ông thầy, bậc mô phạm, trực tiếp gánh trách nhiệm đào tạo thế hệ tương lai. Tuy nhiên, những hành vi phản đạo đức, và đáng lên án đó, chẳng qua chỉ là những hiện tượng riêng lẻ, nhất thời. Trước sau, tôi vẫn tin tưởng ở cái tâm trong sáng của tuyệt đại đa số các ông thầy, họ là những con người thầm lặng, và không cam tâm dùng thủ đoạn để hưởng lợi, hưởng đặc ân trong các cuộc bon chen. Hơn nữa, những tệ nạn này có thể cải thiện, một khi quyết tâm đưa ra biện pháp thanh lọc triệt để môi trường giáo dục, không đặc cách, không thiên vị, không có luật trừ, và cố gắng đào tạo một đội ngũ kế thừa đầy đủ phẩm chất. Theo tôi, điều thực sự đáng lo ngại chính là Thương mại hóa Giáo dục. Đây là một vấn đề gây tranh cãi nhưng có nguy cơ trở thành chủ trương của ngành giáo dục, vì nó đem lại cái lợi trước mắt: giảm được gánh nặng chi phí cho nhà nước, nhưng nó sẽ để lại hậu quả lâu dài.

Khái niệm Thương mại hóa Giáo dục nhất thiết phải được hiểu là: Biến Giáo dục thành một bộ phận của hoạt động Thương mại, bằng cách coi tri thức như một món hàng, nhằm mục đích kiếm lợi nhuận trên đầu đối tượng là học sinh. Trường học sẽ biến thành những công ty cổ phần, và chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ là những doanh nhân thuần túy. Ai dám bảo đảm các doanh nhân ấy thật lòng vì giáo dục, thật lòng vì mục đích đào tạo các thế hệ tương lai? Ai dám bảo đảm trong đám doanh nhân ấy không len lỏi vào những chủ trường cá mập, những cai đầu dài. Tất nhiên nếu Giáo dục có biến thành một hoạt động thương mại, thì cũng là một hình thái thương mại đặc thù, với những ước thúc đặc thù, nhưng với một hệ thống pháp luật còn nhiều kẽ hở, ai dám bảo đảm học sinh không biến thành nạn nhân của bọn lừa đảo và trục lợi bất chính. Quan trọng hơn, đường lối này vô hình trung đã làm thay đổi toàn diện quan niệm về mục tiêu, nhiệm vụ, giá trị của giáo dục vai trò của ông thầy. Một mặt, nó hạ thấp giá trị của Giáo dục, biến Giáo dục thành hoạt động buôn bán, một thị trường, trong đó có những cạnh tranh chân chính và chắc chắn không tránh khỏi những cạnh tranh bất chính, tất cả đều nhằm mục tiêu tạo ra lợi nhuận. Mặt khác, trong môi trường này, ông thầy mặc nhiên trở thành một cán bộ thương nghiệp, tức người bán chữ và học sinh trở thành khách hàng, người mua chữ. Gạch nối giữa thầy trò là tương quan kẻ bán, người mua, từ đó vấn đề tình nghĩa thầy trò không thể đặt ra, vì vô nghĩa, vấn đề tôn sư, trọng đạo trở thành một khái niệm lạc hậu, vì không ai đòi hỏi người mua phải yêu kính kẻ bán bao giờ. Thay đổi quan niệm về giá trị, tất yếu sẽ từ từ dẫn đến thay đổi tâm lý, thái độ phục vụ của những người trực tiếp tham gia hoạt động giáo dục. Xung đột giữa thầy và trò nếu có, phải được hiểu là xung đột quyền lợi giữa kẻ bán, người mua, và nếu khách hàng đánh con buôn vì bị ép mua hàng dổm, giá cao thì cũng là chuyện thường tình, không thể lên án nhân danh Đạo đức, mà chỉ có thể kết tội phá rối trật tự công cộng. Viết đoạn này tôi rất sợ bị hiểu lầm, vì tôi tuyệt đối không chấp nhận, lại càng không khuyến khích việc học sinh hành hung, vô lễ với thầy cô giáo. Nhưng nguy cơ tệ trạng trên xảy ra là có thật. Xin nói gọn lại cho rõ: Nếu ông thầy tự coi mình là cán bộ thương nghiệp (lưu ý mệnh đề phụ chỉ điều kiện), thì trò đánh thầy chỉ đơn thuần là xung đột giữa kẻ bán, người mua.

Tiếp đó cũng phải kể tới một hệ lụy khác: chất lượng của hàng hóa, tức tri thức và khả năng mua của các thành phần khách hàng khác nhau.

Đã có khái niệm Giáo dục chất lượng cao, thì tất yếu phải có Giáo dục chất lượng vừaGiáo dục chất lượng kém, và cũng tất yếu phải có những mức Giá cả tương xứng với chất lượng món hàng. Giáo dục chất lượng cao đương nhiên trở thành món hàng độc quyền của một thiểu số con ông, cháu cha, giàu nhưng chưa chắc giỏi và chưa chắc có đạo đức. Còn con em nhà nghèo, dù giỏi và ngoan, cũng không thể nào với tới món hàng giáo dục chất lượng đáng giá 2,3 triệu đồng/ tháng. Thế nhưng, trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta, những người làm Giáo dục, tuyệt đối không có quyền trao cho con em mặt hàng tri thức chất lượng kém, chỉ vì các em nghèo, không đủ tiền mua mặt hàng tốt hơn. Và các ông thầy được tuyển dụng vào các ngôi trường Giáo dục chất lượng cao chưa chắc đã hoàn toàn là những ông thầy thực sự giỏi, mà lẫn lộn vào đó sẽ có nhưng thành phần bon chen, được chọn lựa vì khéo bảo vệ sinh mệnh chính trị, nói trắng ra là khéo lấy lòng cấp trên. Từ đó gây ra tình trạng phân hóa giữa học sinh, mà lương tâm lẽ ra phải trong sáng, hồn nhiên, không mặc cảm cả tự tôn (nhà giàu) lẫn tự ty (nhà nghèo), và phân hóa giữa đội ngũ các ông thầy, mà lẽ ra phải lấy việc bon chen, kèn cựa, không thực hiện đầy đủ chức năng của ông thầy làm một điều đáng xấu hổ. Đây chính là vết nhơ đối với danh dự và nhân cách của ông thầy, một khi Giáo dục được phân cấp theo tiêu chuẩn đồng tiền.
Ở thế hệ chúng tôi, và cả các thế hệ đàn em, tình nghĩa thầy trò, dù bao nhiêu năm xa cách, vẫn không hề giảm sút. Vậy mà những năm gần đây, thứ tình cảm thiêng liêng ấy hầu như mỗi ngày một phai lạt. Nguyên nhân có lẽ phát xuất từ cảm giác học sinh đã bị một bộ phận nào đó trong ngành giáo dục lợi dụng để làm giàu. Cùng với đà phát triển theo chiều hướng thương mại hóa, theo tôi, nếu đạo đức học đường không sa sút mới là chuyện lạ, và tệ nạn trong giới trẻ, nếu không mỗi lúc một tràn lan, thì lại càng là điều đáng lạ hơn.
* Phần dịch nghĩa lấy của Trần Trọng Kim trong Nho giáo, quyển Thượng

6.6.2007

No comments: