Monday, October 1, 2007

Trò đánh giá thầy, một thử thách bước đầu

Vũ Lưu Xuân

Cải cách giáo dục đặt ra cho tất cả chúng ta nhiều vấn đề để suy nghĩ, từ tầm vĩ mô của chính sách, tới tầm vi mô của những biện pháp thi hành. Và một vấn đề đã được Lm GB. Huỳnh Công Minh nêu lên, dưới hình thức thư ngỏ, trên Tuần san CG&DT số 1625: Trò đánh giá thầy, một chủ trương không xa lạ đối với nhiều nước trên thế giới, nhưng đối với chúng ta lại là một thử nghiệm bước đầu. Nay xin được tiếp lời.

Trò đánh giá thầy là biện pháp nhằm phát huy dân chủ trong học đường. Tạo cho người đi học tâm lý trưởng thành và không cam tâm thụ động lãnh nhận kiến thức theo kiểu há miệng chờ mớm cơm. Mặt khác, rất quan trọng, nó đặt người dạy trong tư thế luôn phải sẵn sàng tự cải thiện mình, cả về kiến thức lẫn tư cách đạo đức, một điều vô cùng cần thiết với mọi người thầy, trước những đòi hỏi mỗi lúc một cao hơn. Đặc biệt trong giai đoạn này, khi mà nền giáo dục đại học của chúng ta đã bị thế giới bỏ lại khá xa, thì mọi biện pháp khả thi nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy đều được hoan nghênh.

Nhưng đã gọi là Dân chủ, chúng ta phải xác định rõ ràng ranh giới giữa hai lứa tuổi: Thành niên, tương đương lứa tuổi của một sinh viên đại học, tuổi được coi là đã đủ trình độ và khả năng hành xử như một chủ thể tự do, có ý thức và sẵn sàng lãnh trách nhiệm về hành vi của mình, ở đây hiểu là đánh giá thầy, từ đó có một tiếng nói riêng để phát biểu, một cái nhìn độc lập để khẳng định, và một tinh thần trách nhiệm đối với lợi ích của cộng đồng. Vị thành niên, tức lứa tuổi học sinh trung học, tuổi mà những phê phán, đánh giá, cho dù có nghiêm túc chăng nữa, vẫn còn phần nào hạn chế về tầm nhìn và ít nhiều chủ quan, do đó mức độ chính xác của đánh giá là vấn đề cần xét lại.

1. Đối với sinh viên, những người được coi là đã trưởng thành, việc đánh giá thầy một cách nghiêm túc, là chủ trương đáng phát huy, nếu việc đánh giá đó thực sự mang lại kết quả tích cực, tức cải thiện môi trường học tập hiện còn nhiều vướng mắc, cả về chương trình, cơ chế lẫn nhân sự. Và như vậy việc đánh giá thầy có thể coi như một trong những biện pháp sàng lọc hiệu quả, để cuối cùng chúng ta có một đội ngũ giảng dạy đầy đủ khả năng, được đào tạo bài bản, thay vì những thầy cô giáo đào tạo theo kiểu đi ngang về tắt, tiến thân bằng con đường quanh co.

Nhưng để chủ trương này đạt hiệu quả, điều kiện tiên quyết phải có: thói quen dân chủ của cả trò lẫn thầy, mà điều này hình như chúng ta còn thiếu hoặc còn yếu. Yếu vì, trước khi là sinh viên, suốt sáu năm trung học, đặc biệt là ba năm cấp ba, con em chúng ta, nạn nhân của lối giáo dục thiên về hình thức chủ nghĩa, đa phần chỉ thụ động tiếp thu theo kiểu nhồi nhét, đối phó, thiếu tư duy độc lập. Do đó, điều đáng buồn, về mặt tri thức, đa phần con em chúng ta thật ra mới là phiên bản của các ông thầy, chưa bao giờ thực sự là chính mình.

Yếu vì, về phía các ông thầy, chúng ta buộc phải nhìn nhận một thành phần nào đó, không hề coi giáo dục như một thiên chức, đòi hỏi sự rèn luyện và trau dồi, đồng thời, vì tự ái hão, vẫn loanh quanh, chưa đủ dũng khí nhìn thẳng vào khiếm khuyết của mình, từ đó sẵn sàng tiếp thu các đóng góp tích cực, và sẵn sàng tự cải thiện mà không chút mặc cảm. Tệ hơn, nhiều vị trong số đó còn, bằng mọi giá, đặt sinh mệnh chính trị, tức ghế lớn ghế nhỏ, mâm cao mâm thấp, lên trên sự liêm khiết trí thức.

Nhưng vượt lên tất cả, vấn đề cực kỳ quan trọng là: sau đánh giá ấy, nếu được coi là chính xác và xây dựng, thì những tiêu cực, những sai lầm hiển nhiên đó có được cấp trên, gồm thầy, ban giám hiệu, và cả bộ, sở, ban tiếp thu, sửa đổi một cách nghiêm túc hay không? Hay tình trạng tiêu cực, ở đây được hiểu là ông thầy thiếu năng lực và tư cách, vẫn tồn tại một cách ngạo nghễ, và các ý kiến xây dựng, phê phán bị rơi vào khoảng trống im lặng đáng sợ, vì nhiều nguyên nhân, có thể là do vướng trên vướng dưới (chữ của cựu TT Phan Văn Khải), một thực tế vẫn thường gặp, hoặc do tinh thần ù lỳ, cung cách bàn giấy (bureaucratie), căn tính quen thuộc ở một số giới chức có thẩm quyền, chỉ muốn yên thân. Lấy ý kiến đánh giá, một biểu hiện dân chủ, rồi để đấy, xếp xó, thì việc trò đánh giá thầy sẽ trở thành một trò chơi vô bổ, xa xỉ và lãng phí thời gian. Tệ hơn, tất yếu sẽ tạo cho giới trẻ cảm tưởng về một thứ bệnh làm dáng dân chủ, hoặc nói nặng hơn là dân chủ giả hiệu, làm xói mòn niềm tin của giới trẻ, lẽ ra phải có, đối với người có trách nhiệm. Theo tôi, vướng mắc lớn nhất, cái khó lớn nhất trong việc cải cách giáo dục nằm ở vấn đề nhân sự. Khó vì cho dù chúng ta không thiếu nhân tài, nhưng lại khan hiếm người tài được trọng dụng, giữa lúc thừa thãi người bất tài được đặt vào ghế cao, vì những lý do hoàn toàn riêng tư. Khó vì một cơ chế quản lý rối bời, người đầu ngành không có quyền xử lý hành chánh theo hệ thống chiều dọc, mà lệ thuộc vào hệ thống hàng ngang, bởi thế thấy sai đó, mà đành bó tay. Viết tới đây, tôi chợt nhớ tới câu nói bất hủ, vừa hài hước, vừa cay đắng của cựu thủ tướng Phan Văn Khải: trên bảo dưới không nghe. Trên bảo còn như thế, huống hồ là… Tiếc rằng, đôi lúc chúng ta đã hành xử dân chủ không ra dân chủ, phong kiến không ra phong kiến, cái gì cũng muốn, nhưng cái gì cũng nửa vời.

2. Đối với học sinh, những đối tượng vị thành niên, chưa thực sự hình thành một nhân cách độc lập, thì việc trò đánh giá thầy, nếu được áp dụng, sẽ đặt nền giáo dục của chúng ta trước nhiều nguy cơ. Nguy cơ trước mắt là, một khi việc đánh giá chưa được hiểu một cách đúng đắn, sẽ làm xói mòn tinh thần Tôn sư trọng đạo vốn được các dân tộc Đông phương, thiên về lễ nghĩa đề cao, từ đó tạo cho học sinh tâm lý khinh nhờn, ảo tưởng về tầm quan trọng không thực sự có của mình. Cạnh đó nếu việc đánh giá không đủ chính xác, có thể làm xói mòn nhiệt tình và lòng yêu nghề của những thầy cô, trong trường hợp bị chính học trò của mình hiểu sai. Vậy mà vào khoảng thập niên 80, 90 ở Thành phố, việc trò đánh giá thầy, thậm chí cho điểm thầy, nhằm mục đích nào đó, có thể bên ngoài giáo dục, đã được ban giám hiệu, hình như rất ít chuyên về giáo dục, ở một vài trường PTTH, đem ra thí nghiệm, từ đó tạo nên bầu không khí nặng nề và nghi kỵ trong nhà trường.

Toàn bộ phần trên được viết nhằm bàn về một nền giáo dục thuần túy, tức lấy việc đào tạo con người làm mục tiêu tối thượng. Riêng giáo dục đã bị thương mại hóa thì lại khác. Giáo dục thương mại hóa, nhằm mục tiêu lợi nhuận, biến chữ nghĩa thành một món hàng, với những chất lượng khác nhau, cao co, thấp có, đắt có, rẻ có, tiền nào của ấy, trong đó, thầy là người bán, còn trò là người mua. Như vậy, đối với hình mẫu giáo dục này, việc đòi hỏi quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, hiểu là trò đánh giá thầy, cho điểm thầy là điều không thể thiếu.

Nhìn chung, chủ trương trò đánh giá thầy – hay gọi một cách nào khác như Lm. GB. Huỳnh Công Minh đề nghị - chính là thử thách bước đầu cần phát huy. Thử thách giúp đánh giá khả năng thụ hưởng dân chủ của người dưới, khả năng hành xử dân chủ của người trên, và qua đó thấy được mức độ trưởng thành của nền giáo dục.


No comments: