Monday, October 22, 2007

Sự kiện Chosun- Nghĩ về tình tự dân tộc

Vũ Lưu Xuân

Bài được viết ngày 17.5.2006, nhưng buồn thay, có lẽ năm bảy năm nữa vẫn mang đậm chất thời sự.

Sự kiện bài viết có ảnh minh họa trên báo Chosun (21.4.2006) đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ. Báo chí lên tiếng, dân chúng lên tiếng, đoàn thể lên tiếng, cả chính quyền đôi bên cũng lên tiếng. Đó là việc làm hoàn toàn chính đáng, vì nó đụng chạm đến thứ tình cảm thiêng liêng: lòng Tự ái dân tộc. Dù còn nghèo, nhưng nhân dân Việt Nam không thể để cho người nước khác, dù là một số nhỏ, vô tình hoặc cố ý xúc phạm đến nhân phẩm, cụ thể là phụ nữ, đồng hóa họ với món hàng có thể ngã giá bằng tiền.

Nhưng tôi vẫn băn khoăn: phẫn nộ vì Tự ái bị tổn thương tuy chính đáng, nhưng hình như chưa đủ, hình như có cái gì đó phải được nhìn sâu hơn, đẩy xa hơn, giải quyết triệt để hơn. Và vấn đề được đặt ra:

Theo tôi, Tự áiTự trọng là hai mặt của tình tự dân tộc. Tự ái là mặt tiêu cực, thụ động, nó chỉ bừng bừng nổi lên mãnh liệt khi bị tổn thương. Còn Tự trọng, thậm chí Tự tôn , ở mức độ cao hơn, là mặt tích cực, chủ động, nó khiến người dân một nước nỗ lực chỗi dậy trong cảnh tối tăm, và chỗi dậy sau mỗi lần ngã xuống, từ đó không tạo cho đối phương bất cứ cơ hội nào có thể xúc phạm đến dân tộc mình. Muốn được người trọng, trước hết phải biết trọng chính mình.

Đọc báo Chosun, nhiều người đã ray rứt, mất ngủ cả đêm, có thể là hai ba đêm, điều đó cần, chứng tỏ chúng ta chưa chai sạn đến mức vô cảm, nhưng chưa đủ, chúng ta buộc phải mất ngủ hàng ngàn đêm, thậm chí hơn nữa, cho tới khi cái nguyên nhân tạo nên điều ô nhục được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân đó là gì? Luận án thạc sĩ của ông Hà Minh Thành Nghiên cứu về vấn đề kết hôn với người nước ngoài giữa Việt Nam và Hàn quốc đề cập tới ba loại: “Korean dream”, “lý do kinh tế” và “tác động của trào lưu văn hóa Hàn Quốc”. Tôi tự hỏi: tại sao có “Korean dream”, mà không có “Việt dream”? Tại sao “tác động của trào lưu văn hóa Hàn Quốc” đối với chúng ta lại mạnh đến thế? Thêm nữa, một đất nước tiếp thu thụ động văn hóa nước ngoài, tất phải có một lỗ hổng văn hóa, đây cũng là vấn đề cần đem ra bàn. Nhưng nguyên nhân khiến tôi chú ý nhiều nhất, đó là “lý do kinh tế”, rõ hơn: sự đói nghèo - vấn đề xã hội. Xin lưu ý một điều quan trọng: sau cái đêm mất ngủ vì sốc, nếu chúng ta chẳng làm gì, hoặc chỉ làm chiếu lệ, thì cuối cùng cũng chỉ là thứ Tự ái theo kiểu phong trào, đi kèm với lòng yêu nước theo kiểu phong trào.

Tôi nhớ không rõ lắm, cũng thời gian này năm ngoái, vụ các cô gái Việt Nam bị trưng trong tủ kính để chào hàng ở Singapore, đã khiến chúng ta cực kỳ phẫn nộ, và trước nữa, khoảng chục năm cho đến tận bây giờ, làn sóng lấy chồng Đài Loan tại các tỉnh miền Tây, cũng đã được đặt thành vấn đề một cách nghiêm túc. Nhưng từ đó đến nay, hơn chục năm rồi, cái gốc xã hội của vấn đề đã được giải quyết tới đâu, chúng ta có quyền nghi ngờ tác dụng của một vài đêm mất ngủ vì sốc, và cũng có quyền nghi ngờ thứ Tự ái theo kiểu phong trào. Những phản ứng không đi kèm với việc làm tích cực, thực chất có đem lại kết qủa nào không?

Tôi vẫn tự hỏi, nước Nhật sau Thế chiến thứ hai đã làm gì để ngày nay có thể tự hào đến thế? Tôi không phải là nhà sử học, nên không nghiên cứu kỹ nguyên nhân. Tôi chỉ mơ hồ biết rằng nước Nhật cũng đã phải vay tín dụng nước ngoài, dân Nhật cũng đã chịu nhiều điều tủi nhục, nhưng hình như họ không chỉ la lớn lên để thể hiện sự phẫn nộ, mà quan trọng hơn, bên cạnh những quyết sách thích hợp, họ còn biết cúi đầu cắn răng, nuốt hận, cùng nhau một lòng, thắt lưng buộc bụng, xây dựng đất nước, để bây giờ con cháu họ có thể ngẩng cao đầu nhìn khắp năm châu. Người Nhật hình như không chỉ biết tự ái vặt, mà hơn thế nữa, họ biết tự lực, tự cường, tự trọng và tự tôn. Và khả năng của người lãnh đạo tập trung được ý chí của toàn dân, cũng là điều rất đáng quan tâm.

Tôi thích la cà quán xá cấp thấp, để gặp gỡ những mảnh đời. Tôi đã gặp các thiếu nữ mà lớp phấn son với chiếc áo hai giây chưa thể che hết nét ngây thơ, pha lẫn cay đắng của một thiếu nữ chân quê ngượng ngùng, lòng đầy mặc cảm. Tôi đã được nghe những lời tâm sự, những ước mơ rất thật: một mái nhà, một người chồng biết yêu thương với một vài đứa con. Họ muốn được đi chợ, làm bếp, giặt giũ áo quần, thay vì bẹo hình, bẹo dạng trước những bộ mặt nham nhở, cái duy nhất bộ mặt ấy có là tiền kèm cặp mắt thấp hèn, và thêm nữa, chẳng bao giờ các cô gái ấy còn phải ấp úng gọi những người đáng tuổi ông nội bằng anh, những ước mơ thật tầm thường mà lại qúa đỗi xa vời. Tôi đã được xem những tấm ảnh gia đình, nằm trang trọng giữa cuốn album bèo nhèo, theo chân cô gái trong từng bước phiêu lưu, ở đó, tôi thấy những người nông dân còm cõi, những đứa trẻ nhếch nhác đứng trước căn nhà lụp xụp, đúng hơn là một cái chòi. “Ba cháu đó, còn đây là con Tư, thằng Út”, những đứa bé thuộc diện phổ cập tiểu học, thậm chí trung học mà vẫn không biết chữ. Tôi biết có cô gái không thể kiếm nổi 300.000 để giải quyết vấn đề sinh tử, nên đã nhắm mắt đưa chân, hoặc vay nợ giang hồ, rồi cũng nhắm mắt đưa chân. Tôi biết có cô gái, sau khi khám phá ra thành phố không phải là nơi dễ kiếm chút đỉnh tiền còm, phụ giúp gia đình, lại càng không phải là cõi thiên đường, nhưng đã không kiếm đủ số tiền nho nhỏ, mua vé trở về quê, yên phận. Từ nạn nhân, phút chốc họ có thể biến thành tội nhân, nhưng trước hết họ là con em ta đó. Buồn thay, chỉ cần bớt đi một Bùi Tiến Dũng, là hàng chục ngàn cô gái có thể thoát kiếp long đong, nhưng chẳng biết Bùi Tiến Dũng có bao nhiêu anh em ruột thịt ở đất nước này. Tôi thấy mình bất lực giữa trùng trùng cảnh ngộ, và rất kinh hãi những tay đạo đức giáo điều, kinh viện, có khối óc mà không có trái tim, thậm chí khối óc chỉ nhỏ bằng hạt đậu, nhưng cũng chẳng biết dùng để làm gì, trong khi những lời kết tội thuộc lòng lại luôn luôn thập thò ở cửa miệng đã được bôi trơn. Chúng ta đang mòn dần đi, rồi chết ngộp trong một thế giới giả hình.

Từ hình ảnh 11 cô gái đang hồi hộp với ước mơ thoát khỏi cái nghèo trên báo Chosun, những cô gái tuy biết, nhưng vẫn cắn răng dấn mình vào cuộc phiêu lưu, trong nhờ đục chịu, mà đục chắc hẳn đến chín chục phần trăm, tôi chợt nhớ đến hình ảnh các ông bố giấu bom tấn trong gầm giường, để cưa lấy đồng và thuốc nổ. Họ đâu ngu đến nỗi không biết mối nguy hiểm đang rình rập vợ con, nhưng ở đời không gì tệ hơn cái đói. Xin đừng vội kết án một khi chưa chỉ cho họ lối thoát khả thi.

Chúng ta tự ru ngủ mình về mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người cao ngất ngưởng, trên 8%, vậy tại sao Việt Nam vẫn bị xếp vào hàng ngũ các nước nghèo? Thực chất là bao nhiêu phần trăm dân chúng được hưởng tỷ lệ tăng trưởng nêu trên? Còn bao nhiêu phần trăm đang phát triển theo hướng âm? Tức là tiền bạc mất trắng, còn cõng thêm một gánh nợ nần. Trước mắt chúng ta vẫn có những nông dân phải bán sạch tài sản trả nợ ngân hàng, vì trót tham gia vào những kế hoạch thi đua “chuyển đổi” thiếu một tầm nhìn, thậm chí thiếu cả cái tâm trong sáng, những kế hoạch phần nào đó chỉ nhắm mục đích đóng thêm cái chân thứ năm cho chiếc ghế chỉ chực lung lay.

Nhìn vấn đề tới tận cội nguồn nhiều khi khiến ta lạnh gáy, lạnh gáy mà vẫn phải nhìn, vì con người không thể là giống đà điểu giấu đầu trong cát. Viết tới đây, tôi chợt nhớ đến một án lệ thời Tự Đức. Ông bố bị bỏ rơi, đói ăn, tới trộm khoai mì tại vườn nhà chính đứa con ruột. Thằng con mất trộm nhiều lần, cố công rình bắt. Một đêm tối, vớ được gã ăn trộm trong vườn, vì không biết đó là bố mình, thằng con vác hèo đập chết. Quan án xử theo tội ngộ sát, Tự Đức duyệt án, giáng chức viên quan, đồng thời ghép thằng con tội bất hiếu, không phụng dưỡng cha già, để đến nỗi cha trở thành tên trộm. Tôi yêu tính triệt để và chất nhân bản của Tự Đức, ông vua phong kiến mà công, tội vẫn chưa được phán xét rạch ròi.

Giá có một ngày nào đó, các cô gái mơ chuyện lấy chồng xa xứ, các cô gái hớt tóc, cà phê, lòng đầy mặc cảm và rất dễ buông xuôi, có thể thực hiện được ước mơ giặt giũ, thổi cơm, thanh thản chờ người đàn ông thân yêu đi làm về, chờ những đứa con ngoan ngoãn đi học về, ngày ấy những người có lương tri mới có thể ngủ yên, khỏi giật mình vì những cú sốc, khỏi nổi giận đùng đùng vì tự ái nhất thời bị tổn thương. Đó là ngày những vấn đề xã hội nhức nhối đã được giải quyết ổn thỏa.

No comments: