Vũ Lưu Xuân
Theo lời cha phó phụ trách thiếu nhi, con bé mười tuổi quyết định viết thư nhân dịp Giáng sinh. Viết thư là việc nó chưa làm bao giờ, đặc biệt viết cho một người bạn cùng trang lứa không quen biết, nhưng nó sẽ cố gắng vận dụng khả năng tiếng Việt, khả năng giúp nó thường xuyên đứng đầu môn văn trong lớp.
Chào bạn
Chúng mình chưa quen nhau đúng không? Tôi cũng không biết bạn ở đâu nữa, chỉ biết bạn sống trong một trại mồ côi, ở nơi có thể rất xa. Cha phó khuyên bọn nhỏ dịp Giáng sinh hãy viết thư cho một bạn nào đó trong trại mồ côi, cha bảo những trẻ không bố mẹ rất buồn mỗi khi Giáng sinh hoặc Tết đến. Mẹ mình thường nói: Chúa ra đời vì muốn con người hết khổ, hết buồn, mẹ còn bảo, mỗi khi con giúp đỡ, làm cho bạn hết buồn, là con bắt chước Chúa đó. Bây giờ mình đang làm theo ý cha phó và mẹ, đến lễ Giáng sinh rồi mà.
Mình tự giới thiệu để làm quen nha. Mình tên Nga, hiện học lớp năm một trường điểm ở thành phố. May mắn vẫn còn đầy đủ cha mẹ, chỉ có điều mình là con một, nên nhiều lúc ở nhà chả biết chơi với ai. Người ta bảo con một được nuông chiều dễ hư, hàng ngày mình vẫn cố gắng làm đứa trẻ ngoan, để được Chúa và mọi người thương yêu.
Còn bạn học lớp mấy? Đời sống ở trung tâm ra sao? Có buồn thật không? Nhận thư này mong bạn trả lời, mình hứa sẽ giữ liên lạc và không bao giờ quên bạn.
Nga
Lá thư viết trên giấy học trò, trao cho cha phó. Thư gửi đi, tới tay một người bạn không quen, ở một nơi mà không biết khi nào nó mới có dịp ghé qua. Đứa bé hồi hộp, và cũng mang trong lòng niềm vui hồn nhiên, ấm áp. Và điều nó không ngờ, lá thư lại là bước đầu của một tình bạn bền chặt. Hai tuần sau, đúng dịp lễ Giáng sinh, con bé nhận được hồi âm, nó coi như món quà đặc biệt ý nghĩa, ý nghĩa hơn những vật đắt tiền, nó thường nhận được hàng năm, vì đây là kết quả của một việc tốt. Thư cũng viết trên giấy học trò, nét chữ xộc xệch, còn sai nhiều lỗi chính tả.
Bạn Nga
Mình nhận thư bạn thật bất ngờ, giữa lúc vừa học xong 4 tiết buổi sáng. Chỗ tụi mình có hơn hai trăm em mồ côi, từ sơ sinh tới 18 tuổi, mà thư chỉ có năm mươi lá. Ai ngoan và giỏi mới được nhận. Mình cũng là một trong số bé ngoan đó, và bất ngờ nhận được thư bạn, chúng mình cùng một tuổi, mình cũng đang học lới năm. Xin giới thiệu, mình tên Thanh, hiện sống tại một làng cô nhi, do các ni cô bên Phật coi sóc, hình như cách thành phố khoảng 50 cây số, thật ra mình chẳng biết thành phố là gì, lớn nhỏ bao nhiêu? Chắc chắn lớn và vui hơn làng cô nhi gấp nhiều lần. Mình cũng không biết đời sống trong gia đình như thế nào. Bạn nhiều lần nhắc đến Chúa, đôi lúc mình có nghe qua, nhưng không rõ Chúa là ai, chắc cũng giống Đức Phật, rất thương yêu trẻ con.
Thư của bạn làm cho mình vui. Mình cũng mong muốn được kết bạn với bạn, như thế chắc vui lắm. Bạn sẽ kể cho mình nghe về thành phố, về trường ở thành phố, và nhất là gia đình bạn, mình rất muốn biết thế nào là một gia đình. Còn mình sẽ kể cho bạn nghe đời sống ở trại mồ côi, nơi đây tuy thiếu thốn nhưng có nhiều tình thương yêu, và nếu chăm chỉ, ngoan ngoãn, tụi mình cũng được học hành. Chỉ sợ bạn chóng quên mình, chứ mình không bao giờ quên bạn đâu.
Thanh
Những dòng chữ ngô nghê, chệch choạc, mở đầu cho tình bạn thật kỳ lạ giữa cô bé nhà giàu, và đứa trẻ lớn lên ở trại mồ côi, đặc biệt suốt nhiều năm trời, hai đứa không hề gặp gỡ, “dù chưa bao giờ gặp, chúng mình vẫn thương nhau, đúng không?“, cũng không hề gửi hình để biết mặt nhau, “tôi xấu lắm, thấy mặt là bạn chán liền à.” Đó là lời con Thanh, khi nó từ chối trao đổi hình ảnh. Chả biết nó có xấu thật không, hay trong tiềm thức, có cái gì đó khiến nó vẫn vô tình giữ một khoảng cách, để không mang thêm mặc cảm về hoàn cảnh quá chênh lệch giữa hai đứa, và như thế tình bạn mới có cơ may kéo dài, đơn giản nó nghĩ vậy. Nó cần tình bạn.
Những lá thư trao đổi, con Nga xếp kỹ trong ngăn tủ, thỉnh thoảng rảnh rỗi mở vài lá ra coi, có lúc đọc rồi cười khúc khích, đôi lúc lại buồn vu vơ. Một năm trôi qua, thư liên lạc vẫn đều đều, trung bình mỗi tháng một lá. “Giáng sinh năm nay mình gửi tặng bạn con thú nhồi bông, mẹ mới mua cho. Khi thấy mình có ý gửi tặng bạn, mẹ cũng ừ, hứa mua cho mình con khác”. “Quà của bạn mình thích lắm, có điều ở đây nhiều em nhỏ cũng muốn chơi chung, tội nghiệp”. Những lá thư giúp hai đứa cùng trưởng thành. Chỉ sau hai năm, chữ con Thanh đẹp hơn, và đúng chính tả, “Cô khen tớ mau tiến bộ, viết hết lỗi rồi, nhờ bạn động viên đó“, còn con Nga nghe lời bạn, cũng biết quan tâm giúp mẹ nhiều việc lặt vặt ở nhà. “Tớ biết nấu cơm rồi đó, bữa trước mẹ đi vắng, một mình tớ nấu chín nồi cơm, dễ ợt”. “Nấu bằng gì?”. “Nồi cơm điện”. “Thế cũng khoe”. Đôi lúc thư chỉ loanh quanh những điều nho nhỏ, vài lời chọc ghẹo, đọc xong rồi cười, nhưng mỗi khi thư tới muộn, chúng chợt cảm thấy như thiếu vắng một điều gì. “Tớ mới bị bệnh, phải nghỉ học một tuần, gửi thư chậm, đừng giận”. “Vậy thì tha cho, tưởng cậu lơ là, tính nghỉ chơi luôn. Cậu bệnh gì, có nặng lắm không, cố giữ sức khoẻ mới được“ . Thời gian qua mau, hai đứa trẻ cùng lớn lên, trong hai không gian khác biệt, hai không gian dẫn con người đi về những hướng trái chiều, nhưng chúng gặp nhau ở một điểm: tâm hồn nhạy cảm và giàu tình người, đó là phạm vi không có ranh giới giữa giàu, nghèo. “Không hiểu tại sao lúc này mình hay buồn vu vơ. Người ta nói con gái tuổi mười sáu hay buồn chẳng biết vì sao, chán thật”. “Chắc trong lòng đã có hoàng tử chứ gì? Mà nếu có hoàng tử, cậu có quên mình không?” “Vớ vẩn, học trước đã, cấp ba rồi còn gì”. Rồi cả hai đều tốt nghiệp phổ thông, đều đậu đại học. Hai đứa mừng rỡ báo tin cho nhau. “Lần này Thanh đến nhà mình chơi nha”. “Chưa được đâu, chắc chắn sẽ có lúc chúng mình gặp nhau mà”. “Con nhỏ này, kỳ cục ghê!”
Làng cô nhi chỉ đủ sức nuôi dưỡng trẻ em dưới mười tám tuổi, Thanh lớn rồi, cô phải tự xoay xở kiếm sống, và hoàn thành giấc mơ đại học.
Buổi tối, Thanh đến một quán cà phê máy lạnh nhỏ, có treo bảng tìm người.
-Con muốn kiếm việc làm ngoài giờ để có phương tiện tiếp tục học.
Bà chủ khuôn mặt phúc hậu:
-Cháu tên gì? Học hết lớp mấy? Hiện thời sống với ai?
-Con tên Thanh, năm nay vừa đậu đại học.
Cô gái ngập ngừng, rồi nói nhanh:
-Con xuất thân từ trại mồ côi. Cô có nhận con không? Con có làm việc ở đây được không?
Bà chủ cười bao dung:
-Sao cháu nói lạ vậy, lúc nào cô cũng muốn giúp những người có chí. Cháu có thể làm ca tối, để tiện đi học. À mà cô có một đứa con gái, nó tên Nga, trạc tuổi cháu, mới vào đại học. Nó cũng có một nhỏ bạn ở trại mồ côi. Hai đứa thân nhau lắm, nhưng lạ một điều, hình như chưa bao giờ gặp mặt thì phải.
Thanh thoáng giật mình, ánh mắt xa xăm, mơ hồ.
Làm việc được khoảng mười ngày, bà chủ với Thanh có vẻ rất hợp ý nhau. Một hôm bà chủ nhìn về phía một chàng trai, nói nhỏ:
-Cháu có thấy cậu kia không? Lúc trước hay ngồi quán buổi chiều, bây giờ đổi qua buổi tối.
Bà cười:
-Nó có vẻ mết cháu rồi đó.
Chàng trai ngồi trong góc khuất, đăm chiêu trước máy tính xách tay, thỉnh thoảng kín đáo liếc về phía hai người. Thanh giữ vẻ thản nhiên, còn nét mặt bà chủ pha chút bâng khuâng, thoáng buồn. Vừa lúc ấy một cô gái bước vào:
-Má.
-Sao con tới quán buổi tối, không ở nhà học à?
-Tối tối thư giãn một chút, học mới vô.
Thanh nhìn xoi bói: cô gái xinh, đằm thắm, dịu dàng. Bạn đó sao? Cô gái mới đến liếc qua chỗ Thanh, rồi tươi cười tiến về phía chàng trai:
-Anh tới đây buổi tối à? Thảm nào mấy buổi chiều em ghé quán không thấy anh đâu.
-Bây giờ chiều chiều phải đi kiếm chút cháo. Tối mới tới được.
Anh chàng cười, nụ cười sáng và hiền.
Kể từ tối hôm ấy, quán vắng bóng Thanh, cô dạt về phương trời nào, không ai biết, nhưng thư từ qua lại vẫn đều đều. “Mình hứa vào đúng dịp Giáng sinh năm 25 tuổi, nếu không có biến cố gì đặc biệt, mình sẽ tự động tới thăm bạn. Đừng hỏi tại sao nhá, mỗi người đều có những dự tính riêng mà, đúng không”. “Con nhỏ này!”.
Thời gian vẫn trôi. Giáng sinh này Nga vừa hai lăm tuổi. Cô đã có người yêu, đính hôn, và sắp tới ngày cưới. “Mình sắp về nhà chồng. Rất hạnh phúc. Mừng cho mình đi. Mà cái hẹn ở tuổi hai mươi lăm cũng đến rồi, nhớ không? Nếu gặp Thanh trong ngày ấy, mình sẽ vui lắm. Vui trọn vẹn”.
Buổi tối trước ngày lễ, Nga ghé quán. Bà mẹ cười, vẻ bí mật:
-Con có món quà, chắc không biết ai tặng đâu.
Món quà gói trong mảnh giấy màu hồng. Nga run tay mở ra. Trong vỏn vẹn một chiếc khăn thêu, hoa lan, thứ hoa Nga rất thích, nét thêu linh hoạt, phối màu tinh tế. Bên dưới còn có tấm thiệp mừng, nét chữ đập vào mắt, quen thuộc, thân thương: “Giáng sinh vui vẻ, đừng quên làm thêm nhiều việc tốt nữa. Mình chẳng có gì, gửi tặng bạn tấm khăn chính tay mình thêu”.
Nga nhìn trước nhìn sau:
-Nó đâu rồi mẹ?
-Ai?
-Bạn con đó, nhỏ Thanh.
-Con nhỏ mấy năm trước phụ mẹ bán quán ấy hả? Sáng nay mới tới đây, nó gửi tặng con một món quà, rồi hẹn đúng tối 24 sẽ đến.
Nga cười trào nước mắt:
-Con nhỏ này! Chắc nó cũng thành đạt rồi. Tao biết tính mày mà.